Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bảy công việc quan trọng cần chuẩn bị trước khi gọi vốn
Thị Hồng - 31/12/2021 11:11
 
Quá trình gọi vốn thường mất nhiều thời gian, công sức, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, start-up có thể rơi vào tình trạng hết tiền trước khi hoàn tất thương vụ.



Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu ThinkZone, các nhà sáng lập cũng như giám đốc điều hành các công ty khởi nghiệp cần cân nhắc việc gọi vốn khi công ty chỉ còn khoảng 12 tháng “runway” (khoảng thời gian cho đến khi start-up sử dụng hết lượng tiền đang có). Có 7 công việc chính cần được tập trung thực hiện trong 6-12 tháng trước khi start-up gọi vốn.

Thứ nhất, cần nắm rõ các chỉ số kinh doanh và nhu cầu gọi vốn. Các nhà đầu tư tại ThinkZone gợi ý, start-up cần vạch ra và theo dõi các chỉ số kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp như runway, biên lợi nhuận, tỷ lệ chuyển đổi… Khi nắm rõ các chỉ số kinh doanh, không chỉ start-up mà các nhà đầu tư cũng xác định được vấn đề, nhu cầu hiện tại của start-up, từ đó hoạch định những gì cần làm sắp tới, lượng vốn cần huy động.

Thứ hai, xác định lượng vốn cần gọi và các kế hoạch dự phòng. Từ KPI về tăng trưởng trong tương lai cùng các dữ liệu về chi phí trong quá khứ, start-up cần lập bảng dự trù tài chính trong 1-2 năm tới, ước lượng số tiền mà công ty cần thêm. Trong trường hợp không thuận buồm xuôi gió, các nhà sáng lập nên có phương án dự trù.

Thứ ba, nói chuyện với các nhà đầu tư hiện tại. Các nhà đầu tư vào start-up ở những vòng trước có thể có những tư vấn hữu ích về việc chọn nhà đầu tư phù hợp, làm cầu nối giới thiệu, hỗ trợ thẩm định, ủng hộ khi gọi vốn, thậm chí có thể xem xét khả năng tiếp tục đầu tư. Để đạt được sự đồng thuận, mỗi start-up đều cần có những cuộc đối thoại thẳng thắn về mức định giá, tỷ lệ vốn hoán đổi, tránh để khoản góp vốn của các quỹ ở vòng trước đó bị mất giá.

Thứ tư, lập danh sách nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài việc tự tìm hiểu và lựa chọn các nhà đầu tư có cùng tầm nhìn với start-up, một lần nữa, các nhà sáng lập nên trò chuyện với các nhà đầu tư hiện tại để có những tư vấn về nhà đầu tư mới.

Thứ năm, “ngáo giá” là cụm từ được các nhà đầu tư nhắc đến trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Cụm từ này có nghĩa là start-up đưa ra mức định giá công ty cao hơn gấp nhiều lần mức mà nhà đầu tư có thể ước lượng. Vì vậy, tính toán định giá công ty và “cap table” (bảng tổng hợp thông tin và phân tích về phần trăm cổ phần, giá trị cổ phần, lượng vốn đầu tư qua các vòng của một công ty để nắm được tỷ lệ cổ phần còn lại sau khi hoàn tất thương vụ gọi vốn) là một trong những công việc quan trọng cần được chuẩn bị kỹ trước khi gọi vốn.

Thứ sáu, chuẩn bị “pitch deck” - một trong những tài liệu quan trọng nhất trong quá trình gọi vốn, tổng hợp những thông tin tổng quan và cốt lõi nhất trong vòng gọi vốn đó của start-up. Thậm chí, nếu có một bản tài liệu ấn tượng, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không tiếc thiện cảm dành cho công ty khởi nghiệp, dù chưa gặp mặt. Start-up thường có vô vàn thông tin để đưa vào bản thuyết trình, nhưng cần chọn lọc, tránh tình trạng thừa thông tin không cần thiết, mà vẫn đảm bảo đủ cung cấp dữ liệu để nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về sản phẩm, mô hình kinh doanh và tiềm năng của start-up.

Sau khi có được bản thuyết trình gọi vốn hoàn thiện, start-up cần dành thời gian diễn tập và đây cũng là công việc quan trọng cuối cùng mà nhà khởi nghiệp cần chuẩn bị kỹ trước khi tiến hành gọi vốn. Thông thường, mỗi start-up có từ 30 phút đến 1 tiếng để đối thoại trong buổi gặp đầu tiên với các nhà đầu tư. Nhưng trước đó, người đại diện start-up cần tập luyện thuyết trình, kể câu chuyện truyền cảm hứng (có thật) trước đồng đội để có được sự trôi chảy, luyện phản ứng nhanh, cũng như nhận về phản hồi góp ý.

Zone Startup Việt Nam đầu tư vào start-up giáo dục Deepview
Sau khi ký thoả thuận tư vấn và đầu tư vào Công ty Deepview, Zone Startup Việt Nam sẽ trở thành cổ đông sáng lập của start-up công nghệ giáo dục đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư