Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
BELIE, Gia Phú Khang, GCOOP, GENPHAR lĩnh phạt do vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng
D.Ngân - 18/06/2021 15:10
 
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa xử phạt 3 doanh nghiệp do vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa xử phạt 3 doanh nghiệp do vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

 

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần BELIE (Tầng 1, số 170 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) 25 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DHC Concentrated Turmeric không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được xác nhận; Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Gia Phú Khang (Số 22, ngách 121/3/10 Phố Kim Ngưu, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) 35 triệu đồng về hành vi quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LUCIDE và HIGADO mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (B17-17 Vinhoms Gadennia, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) 25 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ROCKET TABLET không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 3 công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Còn liên quan tới việc xử phạt quy định công bố sản phẩm của các doanh nghiệp, ngày 1/6/2021, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyêt định số 18/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm GENPHAR.

Theo đó doanh nghiệp này đã sản xuất thực phẩm không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ích khớp đan số lô 020320 ngày sản xuất 03/3/2020, hạn sử dụng 3/3/2023 và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Gen S Plus số lô 030520 ngày sản xuất 3/6/2020, hạn sử dụng 03/6/2023).

Với lỗi vi phạm như trên, Cục An toàn thực phẩm đã áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 70 triệu đồng, với hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 11 tháng với sản phẩm nêu trên.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm buộc Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm GENPHAR thu hồi các sản phẩm thực phẩm vi phạm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày Công ty nhận được Quyết định số 18/QĐ-XPVPHC và có báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản gửi về Cục An toàn thực phẩm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên về vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến.

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Với người dân Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Khi có nhu cầu người dân cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

"Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất  sản phẩm rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên", Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng
Hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư