Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định không thiếu thiết bị y tế chống dịch
D.Ngân - 28/05/2021 22:23
 
Thông tin một số cơ sở y tế thiếu thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 dấy lên lo ngại về việc chậm trễ trong việc đấu thầu các sản phẩm này.

Theo nguồn tin của phóng viên, những ngày qua đã có lời kêu gọi mọi người ủng hộ quả lọc máu và thuốc chống đông máu cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điểu trị cho bệnh nhân Covid-19, do vật tư này tại Bệnh viện đã sử dụng hết.

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung uơng.

Cũng theo lời kêu gọi được cho là của nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện Phòng Vật tư và Khoa dược của Bệnh viện đang phải vay mượn hàng của các đơn vị cung cấp và làm thủ tục đấu thầu để mua bổ sung, nhưng các quy định về đấu thầu rất ngặt nghèo, trong đó có quy định về thời gian đấu thầu bắt buộc không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, ngày 28/5, trả lời báo giới, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lại khẳng định, Bệnh viện có đủ trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả các bệnh nhân nặng cần áp dụng các kỹ thuật như thở máy xâm nhập, ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), lọc máu…

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, có thể trong một thời điểm nào đó, do việc điều chuyển trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế giữa các cơ sở chưa kịp thời, nhưng cho đến thời điểm hiện nay bệnh viện đảm bảo đủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế không được để thiếu trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế.

“Bộ Y tế có cấp dư cơ số vật tư cho bệnh viện, nếu có tình trạng thiếu, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Y tế để được kịp thời giải quyết”, TS. Phạm Ngọc Thạch cho hay.

Liên quan tới công tác đảm bảo vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch, tại hai điểm nóng là Bắc Giang, Bắc Ninh, theo lãnh đạo Sở Y tế hai địa phương này, hiện cũng có nhiều khó khăn về vật tư, sinh phẩm xét nghiệm do nhu cầu tăng cao đột biến.

Hay tại Điện Biên, sau khi trên địa bàn xuất hiện một số ca bệnh đại diện Sở Y tế cho hay cơ sở đang thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, đặc biệt là test thử nhanh và sinh phẩm phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đó, toàn tỉnh chỉ có 2 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, với công suất tối đa 500 mẫu đơn/ngày đêm.

Sở Y tế Điện Biên đã tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ, test thử nhanh và sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm.

Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu không thể đáp ứng ngay theo dự trù của các cơ sở y tế trên địa bàn, nhất là găng tay, test thử nhanh và sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm để sàng lọc và khẳng định người mắc Covid-19.

Từ thực tế đó, vừa qua Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm, vật tư tiêu hao (xe cứu thương chuyên dụng, test thử nhanh và sinh phẩm…) phục vụ công tác xét nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Trước một số ý kiến cho rằng việc bệnh viện công phải chờ đấu thầu có thể ảnh hưởng đến chống dịch, theo đại diện Bộ Y tế, ngày 12/5 vừa qua Bộ Tài chính đã có hướng dẫn gửi UBND các tỉnh thành, trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế về cơ chế mua sắm trong điều kiện dịch bệnh.

Trong đó, Bộ Tài chính đã hướng dẫn về hình thức lựa chọn nhà thầu và trường hợp được chỉ định thầu, về giá gói thầu như thế nào là đúng quy định pháp luật, quy trình thẩm định giá.

Cụ thể, về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19 và tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Luật Đấu thầu.

Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công văn nêu rõ, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

Theo công văn của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm.

Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước; không để xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tại địa phương thực hiện quản lý kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp  luật, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm.

Liên quan tới vấn đề mua sắm vật tư thiết bị y tế phục vụ chống dịch, vừa qua nhiều cán bộ của CDC Hà Nội đã bị cơ quan công an khởi tố về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.

Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn hai tỉ đồng. Tuy nhiên, CDC Hà Nội đã mua vào với giá cao gấp khoảng ba lần giá nêu trên.

Kết quả điều tra xác định các bị can trong vụ án đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. 

Vụ việc nêu trên phần nào đã gây tâm lý e ngại cho một số cơ sở y tế, khi luôn trong trạng thái “sợ sai” khi đấu thầu thiết bị, vật tư y tế.

Về vấn đề này, khi phát biểu kết luận phiên họp 56 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/5/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lo ngại tình trạng lúng túng, sợ sai trong mua sắm công để phòng chống Covid-19.

Nêu những nghịch lý trong thực tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh sai phạm cá nhân thì phải xem xét cả trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn.

Khởi tố 9 bị can vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Hà Tĩnh
Công an Hà Tĩnh tiếp tục khởi tố thêm 9 bị can, trong đó, ra lệnh bắt tạm giam 3 bị can liên quan vụ nâng khống thiết bị y tế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư