Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Bệnh viện vẫn "khát" nhiều loại thuốc
D.Ngân - 24/10/2022 17:00
 
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành với 55 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Những loại thuốc đó gồm thuốc sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, hỗ trợ giải độc, chống dị ứng và trong điều trị xơ vữa động mạch; thuốc trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc hướng tâm thần, chống loạn thần; 

Thuốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; điều trị triệu chứng như buồn nôn và nôn do tình trạng đau nửa đầu cấp tính gây ra; Kem bôi trị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, viêm da; điều trị các nhiễm khuẩn tại chỗ do các chủng vi sinh vật nhạy cảm, đặc biệt là tụ cầu vàng...

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành với 55 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Để giải tỏa phần nào tình trạng khan hiếm thuốc, Cục này đã có 3 lần gia hạn thuốc từ đầu năm 2022. Cụ thể, đợt thứ nhất là vào ngày ngày 3/6/2022, gia hạn 6.251 giấy đăng ký lưu hành; đợt 2 là ngày 20/7/2022, với 3.579 giấy đăng ký lưu hành. 

 Đợt 3, ngày 23/9, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành đợt 3 đối với 271 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Trong đó có 180 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước; 86 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; và 5 vắc-xin sinh phẩm y tế.

Như vậy tổng 4 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã có 10.156 giấy đăng ký được gia hạn trong hơn 4 tháng qua.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành; số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.

Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ).

Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.

Việt Nam vẫn trong tình trạng khan hiếm nhiều loại thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh và bệnh viện. Để giải quyết vấn đề này lâu dài, cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Cũng về việc khan hiếm thuốc chữa bệnh, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội vừa có báo cáo gửi đến các vị đại biểu một số ý kiến về lĩnh vực Ủy ban này phụ trách, trong đó có công tác chăm sóc sức khoẻ nhân.

Theo cơ quan của Quốc hội là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh: 28/34 địa phương;

12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc16; 26/34 địa phương và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 địa phương và 08/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.

Năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 13.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu của việc này, theo báo cáo là do hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện.

Việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị; Cạnh đó còn có khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM nêu, từ lúc có ý kiến nói lên việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đến nay hơn 8 tháng. Chính phủ rồi các bộ ngành họp rất nhiều nhưng đến giờ chưa có thay đổi nào về chính sách. Nhân viên y tế các bệnh viện đang loay hoay ko biết mua sắm thế nào cho đúng.

Do đó, hiện giờ nhân viên y tế, thời gian làm chuyên môn giảm đi rất nhiều mà tập trung vào mua sắm đấu thầu nên gặp rất nhiều khó khăn, ông Thức nêu thực tế.

Vị đại biểu này nhận định, hiện tại bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo. Người bệnh có tiền thì ra bệnh viện tư, nhưng thực tế là giá dịch vụ ở đây cao hơn bệnh viện công nên không phù hợp với người nghèo.

Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TP.HCM, vào viện bây giờ không chỉ thiếu thuốc, mà thiếu từ băng gạc, bệnh nhân chịu đau đớn, tự đi mua. Và như thế bảo hiểm y tế không thanh toán được.

"Như vậy là đã tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, giảm đi hiệu quả của bảo hiểm y tế và chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân", đại biểu nhận xét.

Được biết, đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong danh mục đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

Danh mục thuốc được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược. Các loại thuốc khác đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư