Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Bị lừa sau khi gom tiền “chạy án” cho trùm mua bán hóa đơn
Huệ Nguyễn - 17/09/2024 08:31
 
Sau khi Nguyễn Hoài Sơn bị bắt vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn, các đối tượng trong đường dây này đã gom tiền “chạy án”, song bất thành.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa.

Gom tiền “chạy án”

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 17 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Theo đó, bị cáo Đoàn Thị Bích Liên (sinh năm 1971, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội); Trần Gia Hòa (sinh năm 1977, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng với đó, bị cáo Đỗ Văn Đức, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Yuki và 3 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội “Môi giới hối lộ”; Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nước giải khát cà phê Lekofe và 10 bị cáo khác bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”.

Vụ án này bắt nguồn từ việc triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn. Theo đó, ngày 18/9/2023, đối tượng Nguyễn Hoài Sơn (trú tại tỉnh Đồng Tháp) bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Hành vi mua bán hóa đơn trái phép của Lê Thanh Phúc, Tưởng Thanh Tri, Hồng Minh Đạt, Đường Trung Thực trong vụ án liên quan tới Nguyễn Hoài Sơn đang được Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) tiếp tục điều tra, xử lý.

Hai cán bộ công an là Nguyễn Trần Trung, Đinh Công Quyền đã giúp Đỗ Văn Đức và Trần Ngọc Tú tìm hiểu thông tin điều tra vụ án và kết nối cho Đức gặp được điều tra viên thụ lý vụ án của Nguyễn Hoài Sơn, nhưng không biết việc nhóm trên có hành vi “chạy án”, nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản thông báo hành vi liên quan cho cơ quan quản lý để xử lý theo quy định.

Sau khi biết tin Sơn bị bắt, trong đường dây mua bán hóa đơn trái phép, Lê Thanh Phúc đã chỉ đạo Hồng Minh Đạt thông tin cho các đối tượng trong nhóm lẩn trốn, đồng thời thường xuyên trao đổi với nhau qua tin nhắn, tìm cách “chạy án”, lo cho Nguyễn Hoài Sơn được tại ngoại.

Mục đích của nhóm đối tượng trên là để biết Sơn đã khai báo những gì về hành vi của nhóm này, nhằm đối phó với cơ quan chức năng và trốn tránh trách nhiệm liên quan.

Biết Tưởng Hữu Hạnh (sinh năm 1983, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là người có quan hệ rộng, đã từng giúp người khác được tại ngoại, nên Lê Thanh Phúc nhờ giúp. Hạnh đồng ý và yêu cầu phải chi 5 tỷ đồng mới có thể lo cho Phúc được tại ngoại và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tránh mở rộng vụ án, liên quan tới các đối tượng khác.

Sau đó, Nguyễn Thị Trúc Giang (em gái của Nguyễn Hoài Sơn) đã phối hợp cùng nhóm đối tượng mua bán hóa đơn, gom góp được gần 4,9 tỷ đồng để chuyển cho Hạnh.

Bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Quá trình điều tra cũng xác định, trong ngày Sơn bị bắt, bị cáo Nguyễn Thanh Toàn (sinh năm 1985, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) được một tài khoản Telegram tên “Quốc” nhắn tin nhờ tìm hiểu thông tin và chi phí giúp “chạy án” cho Sơn tại ngoại. Nguyễn Thanh Toàn nhận lời và được người của Quốc chuyển cho 200.000 USD (tương đương khoảng 4,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Toàn không quen biết hay có mối quan hệ nào để có thể giúp chạy tội cho Sơn, nên đã nhờ Đỗ Văn Đức, thám tử tư Công ty TNHH Yuki và Trần Ngọc Tú, Giám đốc công ty này, để cùng tìm hiểu thông tin về việc cơ quan nào đã bắt giữ, chi phí để “chạy án” bao nhiêu...

Qua nắm bắt từ Nguyễn Trần Trung (sinh năm 1983, cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an) và Đinh Công Quyền, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Hòa Bình), Tú được biết thông tin về Sơn.

Sau đó, Đức liên hệ với Nguyễn Trần Trung để nhờ gặp Quyền và được dẫn tới trụ sở Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) gặp anh Đinh Lê Hòa, Phó trưởng phòng An ninh điều tra (là người thụ lý điều tra vụ Nguyễn Hoài Sơn), song không được cung cấp thông tin gì.

Tiếp tục thông qua các mối quan hệ, nhóm bị cáo “chạy án” tìm được Đoàn Thị Bích Liên và nhờ Liên lo cho Nguyễn Hoài Sơn được tại ngoại. Do cần tiền chi tiêu, Liên đưa ra thông tin gian dối mình là “người nhà của lãnh đạo Bộ Công an”, sẽ lo được cho Nguyễn Hoài Sơn tại ngoại, hưởng án treo.

Liên yêu cầu nhóm Tưởng Hữu Hạnh đưa 2,3 tỷ đồng để giúp Sơn được tại ngoại trong vòng 7-10 ngày và sau đó sẽ không phải nhận án phạt tù.

Để quyết tâm chiếm đoạt số tiền đã nhận, Liên tiếp tục móc nối với Trần Gia Hòa để nhờ và được Hòa yêu cầu đưa 350 triệu đồng. Tuy nhiên, Hòa cũng không có khả năng lo cho Sơn được tại ngoại, nên đã nhờ người làm đơn bảo lãnh, song không được cơ quan công an chấp thuận.

Quá thời hạn cam kết trên, Sơn vẫn không được tại ngoại. Nghi ngờ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhóm Nguyễn Doãn Hào và Đỗ Văn Đức đến Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tự thú, tường trình về hành vi của mình.

Theo Cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Toàn đã nhận 200.000 USD (tương đương 4,8 tỷ đồng), sau đó đưa 3,25 tỷ đồng cho Đỗ Văn Đức và giữ lại 1,55 tỷ đồng.

Nguyễn Doãn Hào nhận 2,305 tỷ đồng từ Đức, sau đó chuyển 2,3 tỷ đồng cho Đoàn Thị Bích Liên. Số tiền này Liên chiếm đoạt gần hết, chuyển cho Trần Gia Hòa 350 triệu đồng.

Tổng số tiền do phạm tội mà có đã thu giữ được trong quá trình điều tra, truy tố là gần 3,9 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, đối tượng Tưởng Hữu Hạnh đã chết, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.

TP.HCM: Lập 26 công ty "ma" để mua bán hoá đơn giá trị gia tăng hàng nghìn tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 10 TP.HCM vừa khởi tố thêm 11 bị can là giám đốc, kế toán các công ty liên quan đường dây mua bán trái phép hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư