Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
BIDV tìm cách trở lại đường đua lợi nhuận
Hà Tâm - 16/03/2021 15:29
 
BIDV hiện đứng sau nhiều ông lớn khác về lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi chi cả tỷ USD để trích lập dự phòng rủi ro, BIDV kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận giai đoạn tới.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV giảm mạnh do phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Ảnh: Chí Cường

Mức tăng trưởng lợi nhuận 24-38% có khả thi?

Dẫn đầu thị phần huy động lẫn cho vay, tổng thu nhập và tổng tài sản đều lớn nhất hệ thống, song lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại đứng sau nhiều ngân hàng khác, kể cả các ngân hàng TMCP tư nhân. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV  giảm 14%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là BIDV sở hữu khối nợ xấu khá lớn, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro cao. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của BIDV là 21.342 tỷ đồng. Khối nợ xấu lớn khiến ngân hàng này phải chi tới 23.125 tỷ đồng trích lập, khiến lợi nhuận 32.300 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 9.200 tỷ đồng sau khi trích lập rủi ro, xếp vị trí sau cùng trong số 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BID của BIDV cũng đã giảm gần 10% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, trả lời băn khoăn của cổ đông, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021 tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV khẳng định, BIDV sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng cao, lợi nhuận hàng năm giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng 24-38%.

Việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro thời gian qua, theo lãnh đạo BIDV, là để làm sạch bảng cân đối tài sản, chuẩn bị cho tăng tốc giai đoạn tới. Hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại BIDV đã đạt trên 108%. Ngân hàng này đang phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu 130% trong 5 năm tới. Nợ xấu được bao phủ tốt sẽ là cơ sở để BIDV tăng tốc trong những năm tới. Riêng năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 40% (13.000 tỷ đồng).

Câu hỏi đặt ra là mục tiêu tăng trưởng này của BIDV có quá tham vọng?

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV, năm 2021, BIDV dự kiến thu nhập ròng từ lãi tăng 19% nhờ kinh tế hồi phục, thu nhập ngoài lãi tăng 14-16%. Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ 14% lên tối thiểu 16% cũng giúp Ngân hàng cải thiện chi phí vốn và cải thiện biên lãi thuần (NIM). Bên cạnh đó, thu hồi nợ ngoại bảng dự kiến đạt 8.000 tỷ đồng cũng mang về khoản lợi nhuận lớn cho ngân hàng này.

Bắt đầu từ năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm dần, lợi nhuận sẽ tăng dần. Việc giảm trích lập dự phòng rủi ro sẽ rất rõ ràng trong 5 năm tới, lợi nhuận cũng sẽ tăng mạnh. Kế hoạch kinh doanh của BIDV 5 năm tới là tăng trưởng lợi nhuận 24-38%/năm.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV

Thực tế, không chỉ chuyển dịch về cơ cấu doanh thu, mà cơ cấu khách hàng và danh mục tài sản của BIDV thời gian qua cũng đã cải thiện rõ rệt. Tín dụng bán lẻ đã chiếm 35,7% tổng dư nợ tín dụng của BIDV. Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khách hàng cá nhân tăng rất mạnh, giảm dần phụ thuộc vào khách hàng doanh nghiệp lớn. Hiện BIDV có 11,6 triệu khách hàng cá nhân, chiếm gần 12% dân số cả nước; 310.000 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm gần 40% số doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước…

Một điểm cộng nữa là ngân hàng này cũng đang siết chặt dư nợ lĩnh vực rủi ro. Năm 2020, dư nợ bất động sản của BIDV chỉ tăng 1,9% (toàn ngành ngân hàng tăng gần 12%), dư nợ cho vay các dự án BT, BOT giao thông giảm 4,8% (toàn ngành chỉ giảm 1,8%).

Tăng vốn là sức ép lớn nhất

Ngoài việc “giải phóng” nợ xấu, để có dư địa tăng trưởng dài hạn, BIDV phải có một nền tảng vốn tốt, hệ số an toàn vốn (CAR) mạnh. Năm 2020, hệ số CAR của BIDV chỉ hơn 8%, vừa chạm mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chính vậy, tăng vốn vẫn là đòi hỏi dài hạn với BIDV.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, cổ đông BIDV đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 và năm 2020 với tỷ lệ 12,2%, đồng thời chào bán thêm 8,5% vốn bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ để tăng vốn.

Hiện chưa rõ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu của BIDV có được cơ quan quản lý chấp thuận hay không. Năm 2020, ngân hàng này cũng trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, song sau đó phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Sau khi chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt 8%, tín dụng tăng 8,8%, hệ số CAR của ngân hàng này chỉ còn hơn 8%, thay vì mức gần 8,8% vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, kể cả khi phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu được các cơ quan quản lý phê duyệt và việc chào bán 8,5% vốn thành công, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản, BIDV sẽ còn phải tìm thêm nhiều biện pháp để tăng vốn.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Lợi nhuận BIDV 5 năm tới sẽ tăng 24-38%/năm
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông BIDV (Mã: BID) sáng 12/3, cổ đông tỏ ra không vui vì ngân hàng phải trích lập dự phòng quá lớn khiến lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư