Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Biến chứng nguy hiểm khi ham "làm đẹp giá rẻ"
D.Ngân - 21/02/2024 18:34
 
Sau 2 tuần kể từ khi làm đẹp tại một spa, người phụ nữ bắt đầu thấy có dấu hiệu chảy dịch, mủ trong khoang miệng nên đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương.

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương, ngay trong những ngày đầu năm mới, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler (chất làm đầy).

Ảnh minh họa.

Đơn cử như trường hợp của nữ bệnh nhân H.T.H (36 tuổi). Vào dịp sát Tết Nguyên đán, chị H. có tiêm filler vào vùng cằm tại một spa ở TP.HCM và không biết mình được tiêm sản phẩm gì.

Sau khi tiêm một ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tổn thương không hết.

Hai tuần kể từ khi làm đẹp, chị bắt đầu có dấu hiệu chảy dịch, mủ trong khoang miệng nên đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương.

Tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe cằm sau tiêm filler.

Bệnh nhân được chỉ định chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm, điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ. Sau đó, các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại sẹo.

Ths.Vũ Nguyên Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, tiêm filler là thủ thuật phải được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo chuyên ngành.

Tuy nhiên với tâm lý ngại đến bệnh viện, ngại phải chờ đợi, thích giá rẻ, nhiều người lựa chọn điều trị tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”, bởi những người không có tay nghề, những “bác sĩ tay ngang”.

Không những thế, nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc đã bị cấm sử dụng. Điều này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử tổ chức, có thể gây mù vĩnh viễn nếu khối filler làm tắc động mạch mắt.

Ngoài ra, nếu sử dụng filler kém chất lượng hoặc bị cấm sử dụng sẽ hình thành nên các dị vật trong da, u hạt, khối sưng viêm, gây nên tình trạng nhiễm trùng tái phát nhiều đợt, khó có thể điều trị dứt điểm.

Từ trường hợp nêu trên, các bác sĩ khuyến cáo, người làm đẹp cần thực hiện thủ thuật tiêm filler tại các cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện được cấp phép hoạt động để tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Trước đó, các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.H (22 tuổi ở Hà Nội) đến Bệnh viện trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi và môi trên bên trái kèm theo mụn mủ, sưng nề do tiêm filler làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười).

May mắn, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ một ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da.

Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi, thậm chí dễ gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật.

Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ cơ sở, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, ThS.Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Bạc Liêu bị áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler, gây hoại tử dưới da. Biến chứng này là hậu quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.

Biến chứng nhiễm trùng filler thường biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, EColi. Trường hợp của cô gái là vi khuẩn Klebsiella. 

Nhiễm trùng Klebsiella Pneumoniae là một trong những loại nhiễm trùng nguy hiểm, cần được điều trị nhanh chóng, nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người bệnh.

Một nữ bệnh nhân khác cũng phải nhập viện sau khi nâng cấp vòng 1 không cần phẫu thuật theo quảng cáo. Bệnh nhân T.H.T (30 tuổi, Thanh Hoá) do tự ti với vòng một quá nhỏ nên chị muốn thay đổi kích cỡ.

Sau một thời gian tìm hiểu, chị T. đã biết tới phương pháp nâng ngực đệm mô lipid không cần phẫu thuật, không đau đớn, ngực đẹp nhanh và chi phí rất phải chăng với chỉ 10 triệu đồng.

Nghe theo lời giới thiệu của nhân viên tư vấn, chị T. đã tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện thủ thuật. Sau 14 ngày, thực hiện phương pháp nâng ngực đệm mô lipid chị T. cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường. Sau đó, chị đã tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khám.

Một trường hợp khác, chị B.T.H (26 tuổi, Hà Nội) đến một spa với mong muốn cải thiện vòng ngực, chị kể chị đọc được thông tin quảng cáo nâng ngực mà không cần phẫu thuật của cơ sở này. Sau khi đến, chị được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích kích thích nâng ngực. 

Vài ngày sau, chị thấy đau nhức vùng ngực và đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà thì kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và vòng 1. Hoang mang quá, chị đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám.

Điểm chung của nhiều ca biến chứng sau khi làm đẹp thời gian gần đây, theo các chuyên gia là do sử dụng các dịch vụ, thuốc chưa được cấp phép tại Việt Nam. Từ đó, các phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng của con người.

Đơn cử như với công nghệ tiêm tế bào gốc tự thân, theo bác sĩ, đây là phương pháp mới được ứng dụng trong điều trị một số bệnh ung thư.

Việc điều trị tế bào gốc trong một số lĩnh vực khác (như lĩnh vực làm đẹp) hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Lý do công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi là các công trình nghiên cứu chưa chứng minh có kiểm soát được tế bào gốc đi tới cơ quan đích hay không, từ đó có nguy cơ sinh khối u. Chính vì vậy, những cơ sở quảng cáo sử dụng công nghệ tế bào gốc trong làm đẹp hiện nay đều thực hiện trái phép.

TS.Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương cũng cho rằng, thời điểm cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao khiến tỷ lệ biến chứng cũng có xu hướng gia tăng theo.

Các cơ sở làm đẹp không ngại quảng cáo với những lời lẽ hấp dẫn và thực hiện nhiều thủ thuật không đúng với phạm vi hành nghề đã đăng ký với cơ quan chức năng.

“Ở một số quốc gia, chế tài xử phạt rất mạnh. Ví dụ, khi vi phạm một lần, người thực hiện có thể bị thu hồi chứng chỉ vĩnh viễn. Tuy nhiên, việc xử phạt chưa đủ sức răn đe nên đối tượng chưa sợ", TS.Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, người dân cần chú ý 3 nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp, đó là nên lựa chọn các bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn.

Thiết nghĩ làm đẹp là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân, đặc biệt trong dịp Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn các dịch vụ làm đẹp được cấp phép và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có các bác sĩ được đào tạo chuyên ngành để tránh “tiền mất, tật mang”.

Nguy hiểm biến chứng cúm A
Nhiều bệnh nhân mắc cúm A đã phải thở máy, tổn thương phổi, chuyên gia cảnh báo những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng đơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư