Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Biến động tỷ giá - nhịp đập thị trường và bàn tay hữu hình
“Tỷ giá tăng quá nhỉ?”, “Đô la Mỹ tăng mạnh ghê” (so với tiền Việt), bỗng nhiên trở thành chủ đề mà nhiều bạn làm truyền thông cho đến người ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đặt ra (ngoài chuyện giá vàng tăng) khi tôi có dịp về Việt Nam lần này.

Về cơ bản, đây là chuyện của thị trường. Không khó để đưa ra một danh sách những nguyên nhân như chênh lệch lãi suất USD/VND, sự mạnh lên của USD trên thế giới sau khi thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng về cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự găm giữ USD của một số doanh nghiệp và cá nhân khi nhìn thấy USD tăng giá… Và có cả những đồn đoán hơi có thuyết âm mưu nữa.

Nếu quan sát nhiều đợt biến động tỷ giá trong hơn 2 thập kỷ gần đây, thì thật ra, mức biến động tăng 2,95% từ đầu năm cũng không phải là ghê gớm hay chưa có tiền lệ. Và diễn biến của tỷ giá, trước nhất, do nhân tố thị trường quyết định, đồng thời cũng có nhiều biến động không nằm trong tầm khống chế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hay ý chí chủ quan của người hoạch định chính sách. 

Không ai ở Việt Nam có thể chi phối các thành viên tham gia cuộc họp chính sách tiền tệ ở Mỹ về lãi suất, cũng như không có cách nào hạn chế hoàn toàn việc một vài tổ chức găm giữ và tích trữ USD để tìm đường gửi nhận lãi suất USD cao trên các thị trường tiền tệ ngoại biên (offshore markets).

Sau thị trường, là điều chỉnh chính sách. Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 3/4 vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, cơ quan này có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối. “Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, NHNN xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp”.

Nhà điều hành chính sách nói như thế rồi và khi thị trường cũng cho thấy rõ đường hướng diễn tiến, những lực đẩy và kéo giá, thì hãy để yên cho bàn tay hữu hình của NHNN xoa bóp, điều chỉnh nhịp đập thị trường sao cho phù hợp nhất với khả năng dự trữ ngoại hối cùng nhiều điều kiện thực tế nhằm đạt mục tiêu chính sách.

Không ai rõ hơn NHNN và thị trường trong câu chuyện tỷ giá này. Vì vậy, điều tốt nhất lúc này có thể làm là không cần phải đưa thêm những áp lực “phải bình ổn tỷ giá”, “phải can thiệp”, “phải kéo tỷ giá xuống”... nữa. Những mệnh lệnh hành chính, phi thị trường, xa rời thực tế sẽ khó có thể thực thi nếu khả năng can thiệp của NHNN có giới hạn.

Điều mà NHNN nói riêng và các lãnh đạo chính phủ nói chung cần làm lúc này là đạt được sự nhất quán, đồng thuận và đoàn kết trong việc đưa ra các thông điệp cho thị trường. Những chỉ dẫn trước về định hướng chính sách sẽ hữu ích trong lúc này. Ví dụ, đâu là công cụ có thể sử dụng, chỉ dấu nào sẽ được theo dõi thay vì những áp lực và những đòi hỏi, cam kết các con số cụ thể.

Cam kết, hứa hẹn cụ thể mà thất bại, không giữ được lời hứa thì còn tệ hơn. Điều xấu nhất đối với chính sách tiền tệ là NHNN đánh mất uy tín với các phát ngôn, định hướng của mình cho thị trường. Chẳng hạn nói can thiệp mà không can thiệp, hoặc thất bại khi can thiệp... Vì vậy, hãy để NHNN tính toán thời điểm “xoa bóp” nhịp đập thị trường, từ đó tỷ giá đi theo đúng hướng chính sách nhất có thể.

Nhưng đó cũng chỉ là những nỗ lực mà thôi. Bởi như nói ở trên, tỷ giá USD/VND thay đổi không chỉ vì ý muốn của nhà làm chính sách của Việt Nam, mà còn do nguồn lực của Việt Nam (về dự trữ ngoại hối, về tính hiệu quả của các công cụ can thiệp), tính toán của những nhà đầu tư quốc tế và toan tính của những vị làm chính sách ở Mỹ.

Khi các thành viên có quyền bỏ phiếu quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ mà còn bất đồng rõ ràng trên truyền thông, thì cũng không nên áp đặt những mục tiêu quá khả năng cho điều hành tỷ giá ở Việt Nam. Cũng bởi vậy, ở nước người ta, các doanh nghiệp phải tích cực phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư