Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Miền Trung - Tây Nguyên: Tăng tốc quy hoạch, đón sóng đầu tư
Bình Định xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, xứng tầm, mang bản sắc riêng
Tâm Đăng - 02/12/2021 09:20
 
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đô thị hiện đại mang bản sắc riêng của địa phương, xứng tầm là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng.
Một Dự án khu đô thị mới tại Thị xã Hoài Nhơn 	ảnh: phước bình
Một dự án khu đô thị mới tại Thị xã Hoài Nhơn           Ảnh: Phước Bình

Định hình hệ thống đô thị

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đã ký Quyết định số 2940/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Bình Định giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Bình Định phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 22 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,8%. Cụ thể, có một đô thị loại 1 là thành phố Quy Nhơn; một đô thị loại 3 là thị xã An Nhơn; 2 đô thị loại 4 là Hoài Nhơn và đô thị Tây Sơn.

Trên địa bàn Bình Định còn có 12 đô thị loại 5 hiện hữu gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Phước Lộc, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh, Cát Tiến; 6 đô thị loại 5 hình thành mới gồm: Phước Hòa và Phước Sơn (huyện Tuy Phước), An Hòa (huyện An Lão), Cát Khánh (huyện Phù Cát), Canh Vinh (huyện Vân Canh), Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).

Theo Kế hoạch, tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị loại 1 đạt từ 23% trở lên; đô thị loại 3 và 4 từ 20% trở lên; đô thị loại 5 đạt từ 16% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại đô thị loại 1 đạt 20% trở lên; đô thị loại 3 và 4 đạt 10% trở lên; đối với đô thị loại 5 đạt từ 2% trở lên. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đô thị loại I đạt 95%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 120 lít/người/ngày đêm; đô thị loại 3 và 4 đạt 80%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 100-120 lít/người/ngày đêm; đô thị loại 5 đạt 60%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 80-90 lít/người/ngày đêm.

Ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét, không gian đô thị được phát triển gắn liền văn hóa truyền thống; các khu đô thị đều xoay quanh trục hệ thống cảng nước sâu Quy Nhơn; hành lang ven biển (ĐT 369), hệ thống giao thông quốc gia… kết hợp với hệ thống đầm, hồ, sông, núi, biển phong phú, tạo sự đa dạng trong mô hình phát triển không gian đô thị.

“Hiện nay, Bình Định quy hoạch đô thị đồng đều các vùng, nhưng thành công rõ nhất là quy hoạch không gian kinh tế - đô thị biển… Nhiều địa phương đã hoàn thiện hạ tầng, quản lý và phát triển đô thị theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hình thành đô thị có bản sắc riêng”, ông Mười nói.

Theo ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, năm 2020, sau khi trở thành thị xã năm ngoái, Hoài Nhơn tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm” tạo đột phá cho phát triển. Trong đó, về đô thị, các dự án đầu tư tập trung phát triển khu thương mại, dịch vụ du lịch tổng hợp và khu dân cư cao cấp dọc hai bên bờ sông Lại Giang, tạo nét khác biệt cho khu đô thị mới hiện đại.

“Hoài Nhơn chú trọng đầu tư hạ tầng phát triển các khu đô thị ven biển, ven sông, mở rộng không gian cho các đô thị trung tâm như Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương… và kết nối liên vùng, liên xã”, ông Trương cho hay.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết

UBND tỉnh Bình Định cho biết, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển hệ thống đô thị, tỉnh đã đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư về hệ thống giao thông; bến xe, bãi đỗ xe; hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn. Theo đó, các công trình, dự án ưu tiên đầu tư được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; nguồn vốn đóng góp và tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; các nguồn huy động hợp pháp khác.

“Tỉnh Bình Định sẽ tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, việc đầu tư cho công tác quy hoạch, triển khai các dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị phải đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và có định hướng đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Từ đó, Bình Định mới vươn lên xứng tầm là một trong những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh.

Trong danh mục các dự án ưu tiên để tạo động lực phát triển đô thị Bình Định, hạ tầng giao thông được xem là lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng. Trên thực tế, cũng đã có những công trình trọng điểm trở thành điểm nhấn đô thị tỉnh như đường Xuân Diệu, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm hội nghị tỉnh (TP. Quy Nhơn)… Các dự án mở rộng, kết nối giao thông đã tạo được sự gắn kết về không gian và mang lại những giá trị cảnh quan như: tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội - sân bay Phù Cát, Quốc lộ 19 mới, tuyến đường phía Tây tỉnh (từ nút giao thông Long Vân, TP. Quy Nhơn đến xã Canh Vinh, huyện Vân Canh), hầm đường bộ Cù Mông...

Ngoài ra, nhiều công trình cao tầng ven biển Quy Nhơn như TMS Luxury Hotel Quy Nhơn Beach, khách sạn Anya, Fleur De Lys… tạo điểm nhấn quan trọng cho không gian kiến trúc cảnh quan đô thị TP. Quy Nhơn. Đặc biệt, các dự án tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Tổ hợp Không gian khoa học, Công viên Sáng tạo TMA Bình Định... gắn phát triển khoa học, giáo dục với du lịch, hướng đến xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học.

Theo UBND tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ có hơn 50 dự án hệ thống giao thông được ưu tiên đầu tư, góp phần tạo nền tảng cho phát triển hệ thống đô thị Bình Định như: cầu Thị Nại 2, TP. Quy Nhơn; tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (Đường tỉnh 638) đến đường ven biển (Đường tỉnh 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; tuyến đường kết nối với đường ven biển (Đường tỉnh 639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; cầu qua sông Hà Thanh, thị trấn Vân Canh; tuyến đường nối Khu kinh tế Nhơn Hội đi Hải Giang… Bên cạnh đó, còn có 11 dự án về bến xe, bãi đỗ xe... cũng được tỉnh Bình Định ưu tiên đầu tư.

Ngoài các dự án hạ tầng giao thông do tỉnh đầu tư, thời gian tới, sẽ còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác của Trung ương được triển khai đi qua địa Bình Định, kỳ vọng tạo ra thêm động lực cho phát triển hệ thống đô thị. Trong đó, đáng chú ý là tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Các tuyến cao tốc trên được Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo đề xuất Chính phủ tại Tờ trình số 11792/TTr-BGTVT về nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.

"Bình Định trong tương lai không xa sẽ trở thành Đà Nẵng thứ hai của Việt Nam"
"Bình Định đang tiệm cận trở thành trung tâm du lịch Nam Trung Bộ, trong tương lai không xa sẽ trở thành “Đà Nẵng thứ hai” thu hút khách đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư