Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Bình Dương: Ngộ độc thực phẩm làm 6 người nhập viện, 1 người tử vong
D.Ngân - 29/03/2021 13:47
 
Cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả và pate chay để kiểm nghiệm liên quan tới vụ ngộ độc sau bữa ăn chay tại miếu Chiêu Liêu.

Liên quan đến vụ ngộ độc làm 6 người nhập viện, 1 người tử vong ở Bình Dương vì ngộ độc Botulinum, ngày 29/3, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả và pate chay để kiểm nghiệm.

Theo đó, 16 mẫu này gồm chả (loại đóng gói túi hút chân không) và pate chay đã được cơ quan chức năng của Bình Dương gửi đến Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để tiến hành kiểm nghiệm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra và làm rõ nhanh nhất nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc này. "Hiện chưa thể kết luận được pate chay là thủ phạm gây ra vụ ngộ độc làm 6 người nhập viện, trong đó có 1 người tử vong sau bữa ăn tại khu vực miếu Chiêu Liêu ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, do những người nấu nướng đã vứt bỏ vỏ hộp sau bữa trưa ngày 20/3", ông Phong nêu.

Theo báo cáo ban đầu, có rất nhiều loại pate và chả kiểu tương tự ở địa phương, có loại đóng túi hút chân không kiểu kinh doanh hộ gia đình, có loại đóng hộp và có nhãn hiệu, có loại chay, mặn, nhưng trong vụ ngộ độc này cơ quan chưc năng chú ý tới 2 món là patê chay và chả.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết ngoài Bình Dương, trong những ngày gần đây, ở Kon Tum cũng ghi nhận một số bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc do độc tố Botulinum, nghi ngờ là cá muối.

Chuyên gia y tế cho hay vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do Botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người Botulinum.

Ngộ độc do độc tố Botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp, người liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Trước đó, ngày 20/3, tại miếu Chiêu Liêu, địa chỉ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn chay, trong đó có 1 người đã tử vong, 2 người khác đang điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.

Sau vụ việc xảy ra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý theo lĩnh vực được phân công xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, chỉ đạo việc truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm pate nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (pate...), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ muối...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...); đồng thời hướng dẫn việc phòng chống nguy cơ ngộ độc Botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng

Trước đó, vào tháng 9/2020, du luận từng hoang mang khi đã có một cụ ông 70 tuổi tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi ăn pate chay, nhiều người khác may mắn thoát chết song chịu di chứng nặng nề. Riêng TP.HCM đã tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay.

Điều tra vụ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm pate chay
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan điều tra nguyên nhân vụ 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư