Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình quân mỗi tháng, Dược Hậu Giang lãi ròng hơn 67 tỷ đồng
Hồng Phúc - 21/10/2021 15:38
 
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 605,8 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dược Hậu Giang vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021. 

Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 944 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty thu về 459 tỷ, trong khi quý III/2020 chỉ đạt 397 tỷ đồng.

Trong 3 tháng quý III, chi phí bán hàng của Dược Hậu Giang tăng xấp xỉ 30 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên gần 180 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí nhân viên trong giai đoạn này tăng hơn 37% (với 103,4 tỷ đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp được kiểm soát hiệu quả hơn nên chỉ tăng 7,4% với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021 tăng trưởng lần lượt là 9,2% và 21% so với cùng kỳ.

Đó là, tập trung bán các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ trong mùa dịch Covid-19 cũng như hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng được thực hiện tốt. 

.
Kết quả kinh doanh quý III/2021 và luỹ kế 9 tháng đầu năm nay của Dược Hậu Giang so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng).

Năm nay, Dược Hậu Giang đặt kế hoạch doanh thu 3.970 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 821 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản doanh nghiệp này ở mức 4.538 tỷ đồng, hơn 3.636 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn; nợ phải trả là hơn 916 tỷ đồng (tăng hơn 36,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), nợ vay ngắn hạn tăng lên gần 367 tỷ đồng (tăng 154,5 tỷ đồng so với đầu năm).

Tồn kho tính đến cuối kỳ là hơn 941 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nguyên vật liệu (với 542,6 tỷ đồng).

Từ tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 được thành lập từ năm 1974, Dược Hậu Giang đi vào hoạt động dưới mô hình Công ty cổ phần từ năm 2004, có trụ sở chính tại quận Ninh Kiều (Thành phố Cần Thơ) với ngành kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh dược phẩm.

Công ty có trên 270 sản phẩm được đăng ký lưu hành trên cả nước trong đó có các sản phẩm nổi bật như thuốc gói trẻ em, thuốc giảm đau hạ sốt thương hiệu Hapacol. 

.

1 trong 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim đạt tiêu chuẩn Japan-GMP của Dược Hậu Giang (Nguồn: DHG).

Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho là cổ đông lớn nhất, sở hữu 51,01% vốn Dược Hậu Giang và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước nắm 43,31%.

Theo Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng, trong 5 năm qua, Taisho đã hỗ trợ Dược Hậu Giang triển khai thành công 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim với gần 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. 

Hợp tác chiến lược với Taisho được kỳ vọng làm động lực tăng trưởng doanh thu kênh điều trị và doanh thu xuất khẩu trong tương lai, góp phần mở rộng tăng trưởng dài hạn.

Năm 2020, Dược Hậu Giang chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 40%, tương ứng xấp xỉ 523 tỷ đồng. Ngày 18/5/2021, công ty đã hoàn tất việc chia toàn bộ cổ tức năm 2020.

Y tế - dược phẩm thu hút vốn ngoại qua hình thức M&A
Được xem là điểm sáng trong đại dịch, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại qua hình thức mua bán - sáp nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư