Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Bộ Công thương đề xuất nhiều giải pháp phát triển tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Thế Hải - 19/03/2023 09:54
 
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ, yếu kém để tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài.
Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Bộ Công thương đề xuất nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tính đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…

Chỉ ra những tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vai trò chủ đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thật rõ, chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của một số Tập đoàn, Tổng công ty không cao và chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư còn thấp.

Một số doanh nghiệp chậm trễ trong việc xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu. Việc xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp và hệ thống các mục tiêu; Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án (chủ yếu là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện, dầu khí…).

Những tồn tại, hạn chế có nguyên nhân khách quan là: Dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến thị trường đầu vào và đầu ra chuỗi cung ứng cho sản xuất.

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản và bất ổn của thị trường trái phiếu... cũng đã ảnh hưởng đến việc thu xếp vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.

Quy định hiện hành về doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, chồng chéo, bị phân tán tại nhiều văn bản; các tập đoàn, tổng công ty  chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường...

Nêu một số nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những tồn tại, hạn chế, nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất cần tập trung cao cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (luật số 69) và sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

"Một số vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau cần phải được tổng kết, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung: như vấn đề trao quyền tự chủ cho tập đoàn, tổng công ty; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; có cơ chế đặt hàng, giao cho các tập đoàn, tổng công ty có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án lớn, trọng yếu quốc gia và các dự án đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh", Bộ trưởng Bộ Công thương đề xuất.

Sớm hoàn thiện mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; cần quy định thật cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền của Ủy ban và các Bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty để thống nhất thực hiện.

Xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao tính chủ động, hiệu quả chức năng giám sát của nhà nước đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty; Xác định và làm rõ hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ, yếu kém để tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra cú hích về tài chính, đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước thì cần giữ lại tiếp tục quản lý hoặc chỉ cổ phần hóa một phần, vốn Nhà nước giữ vai trò chi phối để tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Trong trường hợp vấn đề nằm ở yếu tố quản trị, con người thì cần mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và đề xuất thay đổi nhân sự để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

Động lực từ hàng triệu tỷ đồng trong doanh nghiệp nhà nước
Cả triệu tỷ đồng vốn và tài sản trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang cần có giải pháp tháo gỡ để dòng tiền trong nền kinh tế chảy mạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư