Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ GD&ĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019
Mỹ Hà (Dân Trí) - 22/02/2019 07:55
 
Chiều 21/2, ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với báo chí về một số giải pháp chống gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, có các giải pháp được đưa ra trong Dự thảo quy chế thi sắp sửa ban hành tới đây như: mã hóa bài thi trắc nghiệm,

“Trộn” thí sinh tự do với các đối tượng thi khác

Kì thi THPT quốc gia 2018 gây chấn động dư luận vì những sai phạm thi cử ở một số địa phương. Ông có thể cho biết những giải pháp chống gian lận cho kì thi năm 2019?

Kì thi THPT quốc gia 2019 tới đây được tổ chức về cơ bản giữ nguyên các phương thức thi như năm 2017- 2018. Tuy nhiên, sẽ có những giải pháp sao cho kì thi an toàn, nghiêm túc và khắc phục được những sai phạm đã xảy ra vừa qua.

Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia đưa ra trước đó đã được lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, nhà giáo, cán bộ quản lý và các chuyên gia. Trong đó, có một số giải pháp để kì thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.

Có thể nói gian lận của kì thi có thể xảy ra ở tất cả các khâu nên kì thi năm 2019 này, chúng tôi đều có các giải pháp ngăn chặn.

Bộ GDĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019 - 1

Ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: Đ.Q)

Cụ thể các giải pháp này tập trung cho khâu nào, thưa ông?

Thứ nhất khâu tổ chức: Trong Dự thảo quy chế thi nói rõ, ở một số điểm thi như vậy, dành một số điểm thi cho thí sinh tự do, thi cùng các học sinh lớp 12 THPT và thí sinh Giáo dục thường xuyên, cùng trộn lẫn theo vần ABC và sắp xếp phòng thi theo sự trợ giúp của máy tính.

Ở khâu in sao đề thi: Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường khâu bảo mật trong tổ chức in sao đề thi. Cụ thể, sẽ có đại điện của một lãnh đạo sở GD&ĐT phụ trách điểm in sao đề. Khu vực này được cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, năm nay sẽ nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự phụ trách.

Thứ 3, ở khâu vận chuyển đề thi và bài thi: Trong Dự thảo quy chế thi nêu rõ, việc vận chuyển luôn có sự giám sát của công an.

Bước tiếp theo trong khâu coi thi: Có một số điều chỉnh, trong đó tăng cường khâu giám sát và thanh tra khu vực thi.

Đặc biệt, năm nay việc niêm phong túi đựng bài thi được quy định cụ thể chi tiết hơn: Sẽ sử dụng một loại tem niêm phong đặc biệt, chung theo mẫu, dễ rách, có chữ kí của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ hai và của phó trưởng điểm thi.

Sau khi dán tem niêm phong lên, sẽ có một lớp keo dính trong phủ lên để đảm bảo không có can thiệp nào.

Một khâu nữa ở việc lưu trữ đề thi: Dự thảo quy định các bước lưu trữ ra sao và phòng lưu trữ đề thi có công an giám sát.

Ở khâu chấm thi: Đối với khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát 24/24. Việc chấm thi môn Ngữ văn, có thể lựa chọn trong 2 cách thức nhưng vẫn phải đảm bảo cách ly trong suốt quá trình chấm để không có tương tác giữa người chấm và bên ngoài.

Bộ GDĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019 - 2

Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi môn Ngữ Văn tại Hòa Bình năm 2018 (Ảnh; Mỹ Hà)

Mã hóa bài thi trắc nghiệm

Năm 2018, nhiều bài thi đạt điểm cao ở một số địa phương là do gian lận. Trong công tác chấm thi năm nay, việc chấm thi sẽ có khác biệt gì, thưa ông?

Ngoài việc chấm kiểm tra 5% bài thi như những năm trước, điểm khác biệt của năm nay là những bài có điểm cao sẽ được lựa chọn chấm kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện ra các gian lận.

Một điều chỉnh rất lớn của năm nay là giao cho các trường Đại học cùng chấm trắc nghiệm và phần mềm chấm trắc nghiệm đã được điều chỉnh, được chạy thử và tương đối yên tâm. Trong đó, các khâu từ ảnh của thí sinh đến bài thi và dữ liệu khác… đều được mã hóa, sao cho không có mối liên hệ giữa thí sinh và người chấm.

Tất cả những giải pháp này chỉ được thực hiện tốt và người điều hành nó vẫn là con người nên chú trọng khâu lựa chọn nhân sự và tập huấn cho các đối tượng làm công tác thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, sẽ có kì thi an toàn.

Ông nghĩ gì khi nhiều người lo ngại, nếu tiếp tục giao cho địa phương chủ trì các khâu coi thi, sẽ tiếp tục dễ xảy ra tiêu cực?

Nghi vấn như trên là có cơ sở nhưng không đồng nghĩa với việc để địa phương tổ chức, hoàn toàn xảy ra tiêu cực nên cần có giám sát chặt chẽ và có quy trình giám sát thanh tra.

Trong phòng coi thi phải có một cán bộ địa phương và một cán bộ từ các trường đại học. Do đó năm nay, vai trò của phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH sẽ được nâng lên ở nhiều khâu quyết định.

Bộ GDĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019 - 3

Năm 2019 chưa thực hiện lắp camera khi việc thi cử vẫn đang thực hiện trên giấy.

Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn cho kì thi, nên chăng lắp camera ở các phòng thi và truyền dữ liệu về máy chủ?

Vấn đề trách nhiệm của cán bộ coi thi rất quan trọng. Theo tôi, trong phòng thi, mỗi thầy cô chỉ quan sát 2 em nên không quá khó khăn.

Ngoài ra, việc lắp camera tác động đến tâm lý của thí sinh nên giải pháp này cần phải cân nhắc kĩ. Vì vậy, năm 2019 chưa thực hiện lắp camera khi việc thi cử vẫn đang thực hiện trên giấy.

Về mặt lâu dài, Bộ GD&ĐT tính ra sao để giảm bớt các khâu thủ công và giảm sự can thiệp của con người để hạn chế tiêu cực khi khó kiểm soát?

Điều này được nêu rõ trong Nghị quyết 29/NQTW, về việc đổi mới kì thi sao cho gọn nhẹ, kết quả thi có độ tin cậy.

Hiện nay các giải pháp công nghệ, mạng máy tính đã phát triển, cho phép chúng ta tính toán dần và có bước đi để tăng cường sự hiện diện của công nghệ trong thi cử.

Và đến thời điểm nào đó, khi ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn và học sinh cả nước đã sẵn sàng, có thể sẽ thi trên máy tính nhưng không hẳn thi trên máy tính là mọi vấn đề được giải quyết bởi sẽ xuất hiện những vấn đề mới nhưng lúc đó sẽ có những giải pháp khác.

Để người dân lấy lại niềm tin cho kì thi này, ông có thông điệp nào gửi đến các địa phương, các đơn vị sẽ trực tiếp tổ chức kì thi?

Nhìn lại cách thức mà Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan, xử lý các tiêu cực thi cử tại một số địa phương vừa qua, có thể thấy những sai phạm này rất cá biệt và không được phép diễn ra. Quan điểm của Bộ GD&ĐT đưa ra là phải xử lý nghiêm và xử lý đến cùng các đối tượng để xảy ra sai phạm.

Thông qua những gì đã xảy ra vừa qua, thông điệp rõ ràng gửi đến các địa phương là: Kì thi diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng đơn vị trực tiếp tổ chức là Ban chỉ đạo thi của các tỉnh thành phố. Mọi thành công của kì thi đều để con em địa phương thụ hưởng nên Bộ GD&ĐT rất mong các địa phương nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho người dân địa phương, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm như vừa qua.

Với thí sinh, mọi thay đổi của kì thi năm nay đều tập trung vào khâu tổ chức thi, vào các thầy cô giáo nên các em yên tâm học tập, ổn định tâm lý và hãy tin, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các địa bàn liên quan tổ chức kì thi an toàn và nghiêm túc.

Đại diện Bộ GD&ĐT: "Có dấu hiệu làm thay đổi điểm thi ở Sơn La"
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, qua quá trình tổ công tác Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an, công an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư