Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Bộ Giao thông Vận tải giải ngân kỷ lục hơn 35.627 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023
Anh Minh - 29/06/2023 10:08
 
Đây là khối lượng vốn đầu tư công được giải ngân lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 mà các bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc có thể thực hiện được.
Thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2.
Thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến ngày 29/6, các chủ đầu tư thuộc bộ này đã giải ngân được khoảng 35.627 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm).

Mặc dù, tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm (35.627/38.154 tỷ đồng, đạt 93,3%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân nói trên vẫn cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%) . Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT luôn cao hơn mức trung bình của cả nước.

Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023, thực hiện tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2.

Trong đó, các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, giải ngân 7.017/17.157 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch năm; đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (7.017/6.828 tỷ đồng, đạt 103%). Tuy nhiên, vẫn có một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn của Ban quản lý dự án 2 đạt 50%; Cam Lộ - La Sơn của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đạt 62%; Nghi Sơn - Diễn Châu của Ban quản lý dự án 6 đạt 75%.

Các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, giải ngân 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: 2 dự án của Ban quản lý dự án Thăng Long (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 69%, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đạt 59%); đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban quản lý dự án 2 đạt 66%; đoạn Bùng - Vạn Ninh của Ban quản lý dự án 6 đạt 69%.

Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân 338/1.855 tỷ đồng, đạt 18,2% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đang ký (338/624 tỷ đồng, đạt 54%). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: 2 dự án của Ban quản lý dự án đường sắt (cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh đạt 15%, cải tạo công trình thiết yếu đoạn Vinh  Nha Trang đạt 41%); dự án gia cố hầm yếu đoạn Vinh - Nha Trang của Ban quản lý dự án 85 đạt 43%; dự án đường nối cao tốc Hà Nội Hải Phòng với Pháp Vân Cầu Giẽ do Sở GTVT Hà Nam và Hưng Yên là chủ đầu tư đạt khoảng 10%.

Trong 6 tháng cuối năm, số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn (khoảng 59.000 tỷ đồng), trong khi hầu hết các dự án cao tốc đều mới khởi công xây dựng, giá trị sản lượng không cao. Để giải ngân tối đa nguồn vốn còn lại cần sự nỗ, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư.

Hiện nút thắt cản trở tiến độ thi công và giải ngân vốn tại Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 – một trong những mũi giải ngân chủ lực của Bộ GTVT là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.

Vì vậy, các chủ đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cần tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp...trong đó đặc biệt lưu ý dư địa để giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng còn rất lớn (đến nay mới giải ngân được 5.154/14.865 tỷ đồng, khoảng 30% giá trị).

Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công. Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, căn cứ vào tiến độ thi công được duyệt chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Các chủ đầu tư phải chỉ đạo nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định.

Được biết, năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 95.222 tỷ đồng (trong đó: vốn giao năm 2023 là 94.161 tỷ đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 1.061 tỷ đồng).

Đến nay, Bộ GTVT giao chi tiết cho các dự án với tổng số 95.196/95.222 tỷ đồng (đạt 99,9%). Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, Ban quản lý dự án do Bộ GTVT quản lý (được giao 86.795 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,2% tổng số vốn được giao của Bộ GTVT).

Các chủ đầu tư còn lại (gồm: 24 Sở GTVT, VEC và 2 trường cao đẳng) được giao 8.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,8%) chủ yếu tập trung để quyết toán dự án và hoàn vốn ứng trước.

Để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan hết sức tập trung nỗ lực chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để triển khai nhiệm vụ này.

"Đối với một số dự án sắp khánh thành, các Ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung nguồn lực, máy móc… làm “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư