Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải nêu ý kiến về phương án VEC đầu tư mở rộng 22 km cao tốc TP.HCM - Long Thành
Anh Minh - 22/08/2024 08:36
 
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phương án Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC huy động 100% vốn đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành theo Luật Đầu tư.
Nhu cầu mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành đang rất cấp thiết.
Nhu cầu mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành đang rất cấp thiết.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đồng thuận cao

Tại công văn số 8944/BGTVT-KHĐT được gửi đi vào đầu tuần này, Bộ GTVT thống nhất phạm vi đầu tư do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đề xuất là từ nút giao vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (từ Km4+000 đến Km25+920).  

Bộ GTVT cũng thống nhất quy mô đầu tư do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đề xuất là đoạn từ vành đai 2 đến vành đai 3 có quy mô 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có quy mô 10 làn xe, cầu Long Thành mới có quy mô như cầu hiện tại. “Quy mô đầu tư theo đề xuất nêu trên là phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ được duyệt”, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT ủng hộ phương án VEC huy động 100% vốn thực hiện đầu tư mở rộng và tổ chức vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn đoạn TP.HCM - Long Thành theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, việc đề xuất sử dụng ngân sách trung ương/ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng là chưa phù hợp với Luật Đầu tư (nhà đầu tư phải trả chi phí giải phóng mặt bằng).

Trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng thì Dự án sẽ phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và sẽ gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC nghiên cứu sử dụng vốn VEC huy động để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến cơ chế tài chính thực hiện mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành, theo Bộ GTVT, trong quá trình thẩm định nội bộ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án sử dụng vốn VEC tự thu xếp khoảng 7.547,57 tỷ đồng để hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Bộ GTVT đã xem xét, thẩm định phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư.

Theo đó VEC đề xuất, trong giai đoạn 2022-2026 hoàn trả Quỹ tích lũy trả nợ 5.334,36 tỷ đồng gốc Trái phiếu công trình do Chính phủ bảo lãnh đã được Bộ Tài chính ứng trả. Giai đoạn 2032-2036 trả Quỹ tích lũy trả nợ 4.561,66 tỷ đồng lãi từ năm 2012 đến ngày 31/12/2021. Kết quả dòng tiền sau thuế lũy kế các năm luôn dương (các năm lũy kế dòng tiền thấp nhất gồm 2026 là 1.826 tỷ đồng và 2028 là 1.840 tỷ đồng), VEC đảm bảo khả năng trả nợ.

“Vì vậy, để VEC có thể bố trí 5.555 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để đầu tư Dự án thì việc xem xét, cho phép khoanh và lùi trả nợ gốc, lãi của khoản Trái phiếu công trình do Bộ Tài chính đã ứng trả như đề xuất của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Ngoài ra, để huy động được vốn vay thương mại là 9.400 tỷ đồng, VEC cần sớm hoàn thành thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tăng vốn điều lệ cho phù hợp.

Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT không còn, nếu sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để đầu tư sẽ không thể hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Do đó, Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất.

“Đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét, quyết định”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Tạm khoanh và lùi trả gốc

Trước đó, tại Báo cáo số 1734, trong vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao VEC thực hiện đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM- Long Thành dài 21,92 km lên 8 - 10 làn xe.

Trong đó, hạng mục đầu tư xây dựng công trình sẽ do VEC (doanh nghiệp Nhà nước) huy động 100% vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).

Hạng mục giải phóng mặt bằng sẽ do ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TP.HCM, Đồng Nai) thực hiện theo hình thức đầu tư công và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách thành Dự án độc lập, giao cho các địa phương thực hiện.

Dự kiến, hạng mục đầu tư đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư 14.955,03 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó vốn chủ sở hữu của VEC là 5.555,03 tỷ đồng (chiếm 37%), vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng (chiếm 63%).

Hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn trung ương/ngân sách địa phương, thực hiện theo hình thức dự án đầu tư công độc lập với tổng chi phí là 904,03 tỷ đồng.

“Nếu mọi việc thuận lợi, Dự án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư trước tháng 2/2025 để có thể thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 đến tháng 12/2027”, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.

Tại Báo cáo số 1734, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề xuất cơ chế tài chính để triển khai Dự án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành.

Cụ thể, để đảm bảo khả năng huy động vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính nêu trên và đảm bảo trả nợ vay cho các tổ chức quốc tế, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên và dòng tiền hòa chung 5 dự án luôn dương, cơ chế tài chính Dự án phải gắn với việc khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031-2034.

Khoản kinh phí này bao gồm 3.988,76 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh tương ứng trong giai đoạn 2024-2026; khoản lãi phát sinh đối với khoản tiền gốc và lãi trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả giai đoạn 2012-2023.

Trường hợp Thủ tướng chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án sẽ luôn dương (mức dương thấp nhất năm 2026 là 669 tỷ đồng). Điều này sẽ VEC có đủ nguồn lực tài chính để bố trí khoảng 5.555 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 829 tỷ đồng) để đầu tư mở rộng Dự án theo phương án đề xuất.

Bên cạnh đó, sau khi hòa chung vào dòng tiền 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung các dự án luôn dương (mức dương thấp nhất là 669 tỷ vào năm 2026), VEC đảm bảo khả năng trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của Tổng công ty.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ, do VEC đang phải cân đối bố trí thêm 7.547 tỷ đồng từ nguồn vốn doanh nghiệp thay thế cho vốn đầu tư công tại Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, nếu đảm nhận thêm việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành sẽ khiến giai đoạn 2026 – 2033 lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án bị âm với mức âm lớn nhất là 6.241 tỷ đồng năm 2029.

"Ngoài việc phá vỡ phương án tài chính chung, VEC sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay đúng kỳ hạn đã cam kết; không huy động được vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư Dự án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành”, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích.

Dự án đường cao tốc TP. TP.CHM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 do VEC đầu tư, khai thác có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54 km, là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm, đến nay tuyến đường đã trong tình trạng mãn tải.

Đặc biệt, đoạn TP. HCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng (dự kiến năm 2026). Như vậy, việc đề xuất nghiên cứu mở rộng đoạn An Phú - Long Thành từ 4 làn xe lên 8 đến 10 làn xe thuộc tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông cho cả vùng miền Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư