Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ GTVT phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam
Anh Minh - 01/10/2022 09:07
 
Một trong những mục tiêu của Đề án là tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa XNK qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và 20% vào năm 2030.
Một tàu chở container của VOSCO - chủ tàu vận tải biển lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Một tàu chở container của VOSCO - chủ tàu vận tải biển lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1254/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam.

Quan điểm xuyên suốt của Đề án là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, đặc biệt là tiềm năng biển để phát triển vận tải biển một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi thích hợp; đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển mới của thế giới; phát triển đội tàu chuyên dụng container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.

Ba mục tiêu của Đề án là đánh giá bức tranh toàn cảnh thực trạng đội tàu vận tải biển hiện có của Việt Nam; đề xuất được loại tàu phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và quốc tế cần được phát triển trong thời gian tới, cùng với các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng và phát triển đội tàu này, nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc tế, để từ đó góp phần giảm chi phí logistic và bảo đảm duy trì tính chủ động, ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khi có những yếu tố biến động bất lợi của thị trường.

Bên cạnh đó, Đề án còn đặt mục tiêu tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Mục tiêu thứ ba là tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.

Trong giai đoạn 2022 – 2026, Đề án đặt ra 5 nhóm giải pháp chính để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có việc tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam; cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026;4 b) Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG…

Trong giai đoạn 2026 – 2030, sẽ tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Tiếp tục miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2, … và các tàu chở LNG đến hết năm 2030.

Bộ GTVT giao các Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách mới; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu đã nêu trong Đề án.

Cục Hàng hải Việt Nam được yêu cầu chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam, đổi mới công tác quản lý nhà nước của Cục theo Đề án, bảo đảm đúng kế hoạch, lộ trình.

Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu (không tính số liệu tàu đang đóng), tổng dung tích khoảng 7,145 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 11,7 triệu DWT. Trong đó, tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.032 tàu với tổng dung tích khoảng 6,3 triệu GT và khoảng 10,6 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (từ 5.000 GT trở xuống) và cỡ tàu trung bình (từ trên 5.000 GT đến 10.000 GT).

Trong giai đoạn 2015-2021, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam có xu hướng giảm, tương ứng với các năm 2015; 2016 và 2017; 2018; 2019 và 2020 lần lượt là 11%, 8%, 7%, 5%, tuy nhiên đã có bước tăng trưởng trở lại đạt 7% vào năm 2021.

Về thị trường vận chuyển, đội tàu biển Việt Nam chủ yếu chạy tuyến ngắn như: Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Á. Cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời; thiếu tàu container và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.

Về nhân lực vận tải biển, hiện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thị trường quốc tế rộng lớn, giá cước cao nhưng sức cạnh tranh của đội tàu vận tải biển của Việt Nam yếu, khó dành được hợp đồng vận chuyển.

Thị trường vận tải nội địa không lớn nhưng số lượng tàu nhiều, dẫn tới tình trạng cạnh tranh cao, giảm giá cước, làm hiệu quả hoạt động của các chủ tàu không cao.

Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng được yêu cầu về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phần lớn tàu vận tải quốc tế còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở cảng biển nước ngoài với số lượng khiếm khuyết cao.

Thoát dần “vòng kim cô” của các chủ tàu ngoại
Dự thảo Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của các hãng tàu cũng như doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư