Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Bộ GTVT thông tin về việc nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát
Bảo Như - 16/12/2023 09:14
 
Do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên Bộ GTVT chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Ga Đà Lạt, một phần của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Ga Đà Lạt, một phần của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Đây là một trong những nội dung được Bộ GTVT đưa ra trong công văn vừa được gửi tới UBDN tỉnh Lâm Đồng liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Bộ GTVT cho biết là đã giao Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng là Nhà đầu tư đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư1 (bao gồm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh đó, hiện nay vốn bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, cùng với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng để báo cáo Bộ GTVT xem xét đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ trong năm 2024 từ nguồn kinh phí chi cho hoạt động kinh tế đường sắt.

Trước đó, vào tháng 11/2023, UBND Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT sớm nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành việc khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ khách du lịch.

Trong đó, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát được xây dựng từ thời Pháp, được khôi phục lại từ năm 1991 là một phần trong dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nêu trên.

Tuy nhiên, hiện nay qua kết quả kiểm tra thiết bị định kỳ tháng 10/2023 của Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn và kết quả kiểm tra hiện trường ngày 4/11/2023 về các công trình dự kiến đầu tư sữa chữa định kỳ năm 2024 của đoàn liên ngành, tuyến đường sắt này đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng, một số vị trí bị ngập úng, sạt lở cục bộ, nước thải rác thải làm mất an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch và nhân dân địa phương.

Cụ thể, nhiều đường cong liên tục, toàn bộ các đường cong đều không có ray hộ bánh (trong đó bán kính đường cong nhỏ nhất chỉ có 195m), tuyến đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc dọc tương đối lớn; đặc biệt đoạn dốc trước ga Trại Mát (hướng Đà Lạt - Trại Mát).

Nền đường sắt Đà Lạt – Trại Mát hiện tại rộng trung bình 5 m, có nhiều vị trí nền đào sâu và đắp cao. Dọc theo hành lang đường sắt chủ yếu là đồi núi, mỗi khi mưa lớn nước trên sườn đồi chảy xuống nền đường sắt kéo theo đất đá gây ngập đường sắt từ 20cm - 50cm ảnh hưởng rất lớn đến chạy tàu. Kiến trúc tầng trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát chủ yếu là ray P26, dài 12m trên tà vẹt bê tông xen lẫn tà vẹt sắt của Pháp đã bị mòn và hư hỏng nhiều; mặt Kk ga kết cấu bê tông xi măng và cấp phối đất không đảm bảo mỹ quan, phù hợp với kiến trúc khu ga, chiều dành đường Ga Trại Mát ngắn không đủ để đón tàu có chiều dài lớn hơn 4 toa xe.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát hiện tại có 4 đường ngang hợp pháp, 5 lối đi tự mở và 39 lối mòn.

Hầu hết các vị trí giao cắt trên tuyến do yếu tố địa hình nên chủ yếu nằm trong đường cong, dốc dọc của đường bộ lớn, bề rộng đường ngang tại vị trí giao cắt hẹp.

Hiện nay đoạn tuyến vẫn còn giữ lại được các công trình kiến trúc cổ kính, đặc biệt là ga Đà Lạt là nhà ga cổ nhất Đông Dương (được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là di tích kiến trúc văn hóa cấp Quốc Gia tại Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 26/12/2001). Ngoài ra các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, ke ga, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám chữa đầu máy đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Để kịp thời khắc phục sự xuống cấp nêu trên, đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến với TP. Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà lạt - Trại Mát”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư