Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm về đề xuất giải quyết các tồn tại của 8 dự án BOT
Anh Minh - 22/09/2022 07:48
 
Việc giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài nhiều năm của 8 trạm thu phí/dự án BOT giao thông do Bộ GTVT được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền được đánh giá là cần thiết.
rạm thu phí Quốc lộ 3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100
Trạm thu phí Quốc lộ 3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 là một trong số 8 dự án BOT đang được đề xuất dùng vốn ngân sách để xử lý các vướng mắc.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 6675/BKHĐT - KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT đường bộ.

Tại công văn số 6675, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Bộ GTVT báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vướng mắc của 8 trạm thu phí/dự án BOT là đúng trách nhiệm của bộ này và phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc việc giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong nhiều năm qua của 8 trạm thu phí/dự án BOT giao thông do Bộ GTVT được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cần thiết nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; khơi thông nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại cho các dự án PPP trong giai đoạn tới.

Liên quan đến việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 13.115 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 8 dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá cả 8 dự án đều được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành. Do đó từng dự án cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở nội dung hợp đồng BOT đã ký kết liên quan đến trường hợp, điều kiện áp dụng; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này.

Để có đề xuất về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tại công văn số 6675, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Bộ Tư pháp để xác định sự phù hợp khi áp dụng sự kiện bất khả kháng đối với các dự án cần phải chấm dứt hợp đồng trên cơ sở căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự và nội dung hợp đồng.

Bộ GTVT cũng cần phân loại cụ thể 8 dự án theo 2 trường hợp chấm dứt hợp đồng, gồm: do sự kiện bất khả kháng và do phía cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm hợp đồng, làm cơ sở xác định phương án chi phí xử lý phù hợp đối với từng trường hợp (có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng dự án).

Đối với nguồn vốn để thanh toán chấm dứt hợp đồng đối với 7 dự án từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2012 và từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn này đế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp trong các vấn đề có liên quan.

Đối với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để thay thế cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT chủ động bố trí nguồn vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ theo quy định nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.

Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm các vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền về thông tin, số liệu, việc rà soát nội dung hợp đồng, cơ sở pháp lý của việc đề xuất chấm dứt hợp đồng và các vấn đề tồn tại của dự án dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết quy định về vấn đề nêu trên tại kỳ họp gần nhất, trong đó quyết nghị về nguyên tắc xử lý chấm dứt hợp đồng, nguồn vốn để thanh toán.

“Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch truyền thông, công bố thông tin việc xử lý 8 trạm thu phí/dự án nêu trên, không để các dự án khác phải tiếp tục xử lý theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước tương tự như các trường hợp này”, công văn số 6675 nêu rõ.

Vào đầu tháng 9/2022, Bộ GTVT đã có công văn số 8865/BGTVT - ĐTCT gửi Chính phủ báo cáo giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Tại công văn này, có 7 dự án BOT sẽ được Bộ GTVT kiến nghị bố trí vốn để chấm dứt hợp đồng, 1 dự án sẽ nhận được hỗ trợ của nhà nước thay thế quyền thu phí để tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP. Tổng nguồn vốn ngân sách mà Bộ GTVT dự kiến để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT lên tới 13.115 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư