Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2017
Gia Huy - 10/08/2017 14:54
 
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá.

3 đột phá lớn từ Chính phủ

Vào vấn đề chính diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong gần một thập kỷ qua, Diễn đàn M&A Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức M&A; kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài; đưa ra nhiều khuyến nghị hữu ích để các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách về M&A, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2017

Năm 2017, dù phải đối phó với nhiều thách thức nội tại, cũng như những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, đồng thời đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, triển khai một loạt chính sách nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam hiện đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu... đặc biệt, là chương trình hành động để thực hiện 3 nghị quyết quan trọng Đảng về phát triển thể chế kinh tế thị trường; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; và phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Trong bối cảnh như vậy, tôi đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Diễn đàn M&A Việt Nam năm nay là “Tìm bước đột phá” và tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng tư duy, suy nghĩ, thảo luận và tìm ra các yếu tố đột phá về cơ chế, chính sách, về dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhận diện những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa cho hoạt động M&A. Có tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 3 đột phá từ phía Chính phủ đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, là rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài vốn đầu tư nhà nước, thì đối tác công tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ Việt nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đang có nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua.

Trong đó, phải nói đến Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6 năm 2017 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018; dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2017.

Đây đều là những bộ luật điển hình của tư duy đột phá ở Việt Nam hiện nay. Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy tắc thị trường được tôn trọng, theo đó việc hỗ trợ được thực hiện thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế; hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước; tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.

Luật quy hoạch tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Đây như một phát đại bác bắn vào thành lũy cuối cùng của bao cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Những yếu tố nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, sẽ là một sân chơi mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A), một hình thức được dự báo là sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.

Chính phủ quan tâm dòng vốn đầu tư M&A

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, tại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, tại hai cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển”.

Cụ thể hóa của thông điệp này là hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/2/2016 ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020; và số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020.

“Như vậy là đã đủ điều kiện để chúng ta không chỉ có tư duy đột phá mà còn là hành động đột phá trong lĩnh vực M&A đầy tiềm năng này. Với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả, các nhà lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ đầu tư uy tín đến từ trong nước và quốc tế, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Với những lợi thế so sánh mà Việt Nam có được như: yếu tố địa chính trị, kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam giữ vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á; yếu tố thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng và thuận lợi hơn; yếu tố về thị trường với dân số trên 90 triệu dân cùng tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển; yếu tố về tiềm năng tự nhiên gắn với du lịch... Những yếu tố trên là đủ để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp suy nghĩ và khám phá, tự nắm bắt lấy các cơ hội để quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho các dự án đầu tư của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức M&A.

Kết thúc phát biểu, ông Dũng cho rằng các nội dung trao đổi tại Diễn đàn sẽ là một kênh thông tin quý giá giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thêm cơ sở để hoạch định, hoàn chỉnh chính sách về đầu tư – kinh doanh, đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.

“Tôi cũng tin rằng, cùng với việc chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động M&A, Diễn đàn là cầu nối hữu ích giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để hình thành các thương vụ M&A mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Diễn đàn M&A 2017: Tạo bước đột phá
Đúng như dự báo của Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) đã xuất hiện nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư