Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Kiểm soát chặt TPDN nhưng không cản trở doanh nghiệp huy động vốn
T.L - 08/06/2022 17:43
 
Chia lửa với Thống đốc NHNN chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất kiểm soát chặt phát hành TPDN bất động sản, nhưng không cản trở hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp có năng lực.
f
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Bất động sản thúc đẩy cho 40 ngành kinh tế 

Tín dụng bất động sản là một trong những vấn đề nóng nhất tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chiều nay. "Chia lửa" với Thống đốc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có bài phát biểu làm rõ thêm bức tranh thị trường bất động sản.

Theo Bộ trưởng, thị trường Bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy khoảng 40 ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển (thị trường vốn, xây dựng, sản xuất VLXD, lao động…) đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Thời gian qua, thị trường bất động sản nước ta có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường… đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Trong năm 2021 và Quý I/2022, thị trường BĐS vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển: tổng lượng giao dịch BĐS cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng bất động sản mới; Tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…

Nguồn cung thiếu trầm trọng, sàn bất động sản câu kết găm hàng thổi giá

Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thì thị trường BĐS đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS... vẫn còn bất cập cần sửa đổi, đặc biệt là: Về hình thức hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; Về xác định giá đất; Về chế độ sử dụng đất, quy định đối với các loại hình BĐS mới, hỗn hợp, đa chức năng; Về quy trình, thủ tục triển khai các dự án BĐS...

Thứ hai, nguồn cung bất động sản vẫn còn khó khăn. Việc triển khai đầu tư, xây dựng các dự án BĐS tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung BĐS sụt giảm mạnh ở các phân khúc, khiến số lượng các dự án được chấp thuận mới, khởi công xây dựng và hoàn thành trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đối với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Thứ ba, cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp, các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Thứ tư, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Thứ năm, các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định, có hiệu tượng câu kết với nhau “găm hàng”, “thổi giá”, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường; hoạt động môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt.

Thứ sáu, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương có tồn tại, bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.

Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Thứ tám, chính sách thuế đối với sở hữu, sử dụng BĐS vào hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh, mua đi, bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ BĐS, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch BĐS, làm thất thu ngân sách

Ngoài ra, hoạt động của thị trường BĐS còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin dẫn đến lợi dụng, tung tin, nhiễu loạn thị trường.

Tiếp tục cho vay các dự án hiệu quả, kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp

Để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện hành lang chính sách pháp luật,  tăng nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.

Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng cho rằng, cần kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiến cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS (nhất là trái phiếu riêng lẻ) đồng thời với việc hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp BĐS theo đúng quy định, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh…

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS.

Ngoài ra, một số giải pháp khác đang được Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu là: Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương; Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng BĐS...

Tín dụng bất động sản: Ngân hàng khẳng định không siết, doanh nghiệp than “bất bình thường”
Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại khẳng định vẫn cho vay bất động sản bình thường, song doanh nghiệp lại cho biết “không hề bình thường”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư