Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vì danh dự của Việt Nam, phải gỡ được “thẻ vàng” của EU
Thu Phương - 06/11/2019 15:53
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để có thể khắc phục được "thẻ vàng" EU, Bộ rất mong các địa phương phải quyết liệt, các thương nghiệp quan tâm hơn và bà con ngư dân, vì danh dự của Việt Nam để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay, tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.
.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn sáng ngày 6/11.

Bên cạnh các vấn đề về nghị định 67, xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi...trong nghị trường, phiên chất vấn sáng 6/11 nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại về vấn đề giải pháp gỡ “thẻ vàng” EU của ngành nông nghiệp. Đặt câu hỏi về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nói ró hơn về giải pháp gỡ "thẻ vàng EU"?

Đáp lại câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về vấn đề "thẻ vàng EU", đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị thẻ vàng, cụ thể là thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó, ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Nghiêm trọng hơn, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây thực sự là 1 cảnh báo tình huống nguy hiểm cho thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

“Rất mong các địa phương phải quyết liệt, các thương nghiệp quan tâm hơn và bà con ngư dân, vì danh dự của Việt Nam để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay, tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Nếu chúng ta có thể rút được thẻ, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Tương tự như việc vừa qua cá tra của Việt Nam được công nhận. Việc này cũng hướng đến lợi ích lâu dài của con cháu, vì quyền lợi sát sườn của người ngư dân. Với những trường hợp vi phạm trong thời gian qua, tất cả các quốc gia khác khi bắt được sẽ tiến hành hủy phương tiện, chứ không có chuyện chị phạt trong nước, thậm chí bỏ tù.

"Chính vì vậy, vì tương lai lâu dài, chúng tôi rất mong qua diễn đàn này, các đại biểu Quốc hội cũng chung tay cùng đôn đốc những khu vực này, qua đó, sớm khắc phục vấn đề còn tồn tại, để thực hiện được chủ trương tái cơ cấu ngành hải sản chúng ta theo hướng phát triển bền vững".

Trước phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có báo cáo cụ thể về tình hình triển khai các giải pháp khắc phục thẻ vàng EU. Theo báo cáo, trong tháng 11/2019, đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề và biển và thuỷ sản thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần 2 việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

.
Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ".

Đợt này, Đoàn sẽ kiểm tra ngẫu nhiên tại một số tỉnh. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo các tỉnh rà soát và khắc phục những tồn tại của EC cũng như chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra. Hiện nay 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC.

Báo cáo cũng ghi rõ, Việt Nam đã nghiêm túc, khẩn trương triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC. Đến nay sau 2 năm, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017; 02 Nghị định; 01 Quyết định của TTg; 08 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật.

Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên; trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15 mét là 77 tàu cá.

Ngoài ra, đã công bố 07 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Viêt Nam. Công tác tổ chức thực thi pháp luật được tăng cường, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức gần 20 Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU; 08 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá và chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”; Ủng hộ việc xây dựng Sáng kiến của ASEAN về thiết lập mạng lưới chống khai thác IUU do EU tài trợ.

Bên cạnh đó, công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác thực theo Quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPNT ngày 15/11/2018 dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Trong thời gian qua đã hợp tác với 06 nước để xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU (Áo 02 trường hợp; Anh 03 trường hợp; Đức 01 trường hợp; Hà Lan 06 trường hợp; Tây Ban Nha 20 trường hợp; Thái Lan 01 trường hợp).....

Trước thềm chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói gì về mở cửa thị trường, liên kết chuỗi
Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên lên "ghế nóng", trả lời chất vấn Quốc hôi. Trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư