Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Thăng: Nhà thầu Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường
- 22/05/2014 13:55
 
Trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng nay (22/5) liên quan đến các dự án giao thông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện hoặc dự án giao thông vay vốn Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Đinh La Thăng khẳng định, các dự án của ngành giao thông vẫn hoạt động bình thường.
TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Thăng: Nhà thầu Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường

TIN LIÊN QUAN
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lấy ở đâu 339 triệu USD?
Nhà thầu Trung Quốc và những dự án "có vết" ở Việt Nam

Thưa Bộ trưởng, các dự án của ngành giao thông vay vốn Trung Quốc bị ảnh hưởng, tác động thế nào sau sự kiện người dân biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam?

  Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải  
  Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải  

Việt Nam vay vốn của Trung Quốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông không nhiều.

Thực tế chỉ có 3 dự án, ngoại trừ Dự án Đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông vay vốn lớn, 2 dự án còn lại là Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường sắt tuyến Yên Viên - Lao Cai và Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường săt tuyến Hà Nội - Vinh vay vốn không nhiều. Sau sự cố đáng tiếc xảy ra, chúng ta đã và đang động viên nhà thầu tiếp tục triển khai, đồng thời cam kết bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng để họ tiếp tục triển khai dự án.

Giả sử phía Trung Quốc ngừng việc cho vay vốn thì sao, thưa ông?

Chúng ta đã có nhiều phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất là phía Trung Quốc không tiếp tục cho vay vốn để triển khai 3 dự án giao thông kể trên, đặc biệt là Dự án Đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông. Hiện tại, chưa có vấn đề gì liên quan đến việc triển khai các dự án giao thông vay vốn của Trung Quốc, nên tôi chưa thể nói phương án dự phòng, nhưng trong trường hợp xấu nhất thì cũng đã có phương án khác, bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ.

Không chỉ có 3 dự án vay vốn Trung Quốc, mà nhà thầu Trung Quốc hiện trúng thầu khá nhiều dự án trong lĩnh vực giao thông. Sự việc xảy ra ở Biển Đông, thưa ông, ảnh hưởng thế nào đến việc triển khai?

Đúng là hiện có nhiều dự án giao thông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Khi mới xảy ra sự kiện trên Biển Đông vào đầu tháng 5 vừa qua, mới đầu nhiều nhà thầu cũng có chút băn khoăn, lo lắng, nhưng bây giờ đã trở lại bình thường vì họ nhận thức được rằng, nếu dừng dự án thì họ cũng bị thiệt hại, chứ không chỉ có mình bị thiệt hại. Vì vậy, cả mình và đối tác hợp tác, phối hợp với nhau để tiếp tục triển khai.

Mọi việc đã trở lại bình thường sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tạo mọi điều kiện tốt nhất, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho tất cả nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc tiếp tục triển khai dự án mà họ đã trúng thầu.

Một số ý kiến cho rằng, việc nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là có lợi ích nhóm. Ông bình luận về nhận định này thế nào?

Nhận định này là không có cơ sở. Bởi việc lựa chọn nhà thầu nào phải đúng quy định pháp luật. Các luật liên quan đến triển khai dự án, công trình nói chung, dự án, công trình trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng đã quy định rất rõ, trước khi tiến hành đấu thầu, chủ đầu tư phải xác định được năng lực của nhà thầu sau đó tiến hành đấu thầu trên nguyên tắc ai bỏ giá thấp thì trúng thầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc thường là những nhà thầu bỏ giá thầu thấp nhất nên họ trúng thầu là bình thường, không hề có bất cứ lợi ích nhóm hay lợi ích nào khác ở đây. Vì nếu có lợi ích nhóm thì phải cho nhà thầu bỏ giá thầu cao hơn trúng mới đúng.

Hiện tại, các quy đinh pháp luật vẫn xác định giá thấp là yếu tố quyết định trong ưu tiên lựa chọn nhà thầu. Giá bỏ thầu thấp được ưu tiên là đúng, nhưng trong một số trường hợp giá bỏ thầu thấp chưa hẳn đã là tối ưu vì vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu… Tất nhiên để làm được việc này cần phải có thời gian, chứ ngay một lúc chưa thể làm được.

Và chính vì chọn nhà thầu có giá bỏ thầu thấp nhất nên mới dẫn đến tình trạng, sau khi trúng thầu, triển khai dự án một thời gian, nhà thầu thường đề nghị tăng tổng mức đầu tư, thưa ông?

Một dự án muốn hoàn thành đúng tiến độ, trước hết phải có đủ tiền, sau đó phải có mặt bằng sạch, năng lực của các tổ chức tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng phải bảo đảm. Tuy nhiên, các yếu tố này đều chưa thực sự tốt dẫn đến chậm tiến độ. Chậm tiến độ có nguyên nhân cơ bản là giải phóng mặt bằng rất phức tạp, dự án cứ chậm một năm, giá xây dựng thường bị tăng nên dự án bị đội vốn. Ngoài ra, chậm tiến độ còn có nguyên nhân là trong quá trình khảo sát, thiết kế ban đầu không kỹ dẫn đến trong quá trình thực hiện bị tăng khối lượng.

Muốn dự án không bị đội vốn, cả dự án do doanh nghiệp trong nước thực hiện hay dự án do nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc thực hiện phải xử lý hàng loạt vấn đề như tôi đã nói ở trên.

Cụ thể với Dự án Đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD, Bộ trưởng giải thích thế nào?

Việc dự án này tăng tổng mức đầu tư cũng xuất phát từ các nguyên nhân như tôi đã nói. Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại xem tăng tổng mức đầu tư ở khâu nào, nguyên nhân vì sao tăng, trách nhiệm để tăng tổng mức đầu tư thuộc đơn vị nào, cá nhân nào. Sau khi xác định rõ mọi vấn đề mình sẽ làm việc với phía Trung Quốc để xử lý.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng chính thức kết luận việc hỗ trợ doanh nghiệp

Mạnh Bôn

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư