Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Bộ Y tế cảnh báo tình trạng giả mạo bác sĩ tư vấn bệnh
D.Ngân - 23/05/2023 09:53
 
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo tình trạng giả mạo bác sĩ tư vấn bệnh để bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát thông tin cho biết hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Ảnh minh họa.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

Đầu tiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Thứ hai, tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

Thứ ba , đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

Thứ tư, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

Thứ năm, mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Cũng về vấn nạn này, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip giả danh bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhằm tư vấn, mục đích cuối cùng là bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho hay gần đây liên tiếp nhận được phản ánh về tình trạng một số đối tượng mạo danh bệnh viện lừa đảo người bệnh và người nhà người bệnh để trục lợi.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.

Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh đi khám tại Bệnh viện ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của Bệnh viện, giả danh nhân viên Bệnh viện chèo kéo khách hàng, lợi dụng lòng tin của người bệnh để bán thuốc (như thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ…).

Thậm chí có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.

Trước thực trạng đó, bệnh viện khuyến cáo với người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo hơn để không để kẻ xấu lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”. 

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo lừa đảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh

Hiện nay có một số đối tượng mạo danh nhân viên của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đến nhà khách hàng thực hiện các dịch vụ sau sinh như tắm bé, massage bé, bán thuốc tại nhà,... Fanpage của bệnh viện đã tiếp nhận phản ánh có bên thứ 3 giả danh đơn thuốc của bệnh viện.

Bệnh viện khẳng định, hiện tại chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà hay liên kết với bất kỳ bên thứ 3 nào, vì vậy, mọi cá nhân hay tổ chức lấy danh nghĩa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên hệ với khách hàng hoặc đến nhà thực hiện dịch vụ đều là giả mạo.

Bệnh viện khuyến cáo, khách hàng không nên để các đối tượng mạo danh vào nhà; không sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh, đơn điều trị, thuốc, thực phẩm... từ các đối tượng mạo danh.

Khách hàng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân (tuần thai, số điện thoại,...) với các bên thứ 3 như cộng đồng mạng xã hội, nhóm chăm sóc sức khỏe, phòng khám tư nhân, quầy tiếp thị sản phẩm khuyến mãi,...

Bất cứ khi nào cần xác thực thông tin, khách hàng có thể thông tin với fanpage bệnh viện hoặc liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng: 19006922 nhánh 0/0379151515.

Khách hàng có thể truy cập website/fanpage chính thức của bệnh viện hoặc đến trực tiếp bệnh viện và nhận tư vấn từ nhân viên y tế khi cần thông tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư