Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bộ Y tế cảnh báo viên uống giảm cân cấp tốc Tigi Max Plus chứa chất cấm
D.Ngân - 02/11/2024 18:18
 
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.

Theo Cục An toàn thực phẩm, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, đơn vị cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus, số lô 0001, sản xuất ngày 20/1/2023 và hạn sử dụng đến ngày 19/1/2026.

Ảnh minh họa.

Sản phẩm chứa chất cấm có số đăng ký sản phẩm là 11127/2020, hộp 3 vỉ x 10 viên, do Công ty Cổ phần BIGFA (khu Công nghiệp Lương Sơn, KM36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bảo An LUXURY (thôn Cầu Giát, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Nơi lấy mẫu là nhà thuốc Nhật Tân, số 115 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo Cục An toàn thực phẩm, chất cấm phát hiện trong sản phẩm là Sibutramine với hàm lượng 6,67 mg/g (3,04 mg/g) và Phenolphtalein là 6,89 mg/g (3,13 mg/viên).

Cục An toàn thực phẩm đề nghị người dân khi phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường hãy thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tigi Max Plus được quảng cáo là viên uống giảm cân nhanh giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc.

Được biết, Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Vì vậy, từ tháng 10/2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Còn Phenolphtalein hay phenoltalein là loại hóa chất tồn tại ở dạng lỏng (không mùi, trong suốt, đậm đặc hơn nước) hoặc dạng bột (màu trắng).

Phenolphthalein đã từng được sử dụng như một loại thuốc nhuận tràng trong hơn một thế kỷ, nhưng hiện nay đã bị loại bỏ khỏi các loại thuốc nhuận tràng không kê đơn do lo ngại về khả năng gây ung thư.

Phenolphtalein đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm lưu hành từ năm 1999. Chất này có nhiều độc tính và tác dụng phụ, dùng trong thực phẩm giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, gan của người dùng, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim, cho nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ nhiều năm nay.

Trước đó, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine.

Bệnh nhân là P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.

Theo bệnh nhân H, vì có nhu cầu giảm cân, chị H. mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày có hiện tượng bị đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn.

Ngày 28/3 chị H. xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H. được theo dõi do ngộ độc.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sỹ được biết chị H. có uống thuốc giảm cân có tên Detox Táo. Xét nghiệm loại thuốc này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H. sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H. mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh nhân H. mua sản phẩm này trên mạng được quảng cáo là để giảm cân và trong sản phẩm này có chất cấm Sibutramine. Sibutramine là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người, vì chất này có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim.

Cũng theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, thực tế đã ghi nhận nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo.

Riêng tại Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai, trước đây đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc những loại thực phẩm chức năng có chứa chất cấm.

Đã có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và đã phải cấp cứu điều trị. Xét nghiệm những loại sản phẩm này thì có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein…

Thậm chí có những chất chỉ được phép có trong thuốc nhưng lại được cho vào trong thực phẩm chức năng, uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư