Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện có hơn 300 giường phải có phòng xét nghiệm Covid-19
Dương Ngân - 14/05/2021 19:49
 
Theo Bộ Y tế từ 12h đến 18h ngày 14/5 đã có 60 ca mắc mới Covid-19 (BN3757-3816), trong đó có 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh;
Biểu đồ số ca mắc mới Covid-19 từ 25/4/2021 đến 14/5/2021

59 ca mắc ghi nhận trong nước tại: Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (1), Bắc Ninh (33), Hà Nội (12), Bắc Giang (6), Đà Nẵng (3), Thái Bình (1), Điện Biên (1).

Các bệnh nhân đều là F1 của các bệnh nhân trước đó, đã được cách ly, phong tỏa. Việt Nam có tổng cộng 2.357 ca ghi nhận trong nước và 1.459 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 787 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 83.415, trong đó cách ly tập trung tại Bệnh viện là 1.433.

Ngày 14/5, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến Hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 với sự tham gia của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Từ điểm cầu nơi thực hiện cách ly y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Hiện một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện lớn vẫn chưa làm được xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở trên 300 giường bệnh bắt buộc có phòng xét nghiệm khẳng định. Do đó, đây là việc phải cấp thiết phải thực hiện để đảm bảo nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn quốc”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam có 175 phòng xét nghiệm thực hiện kỹ thuật Realtime RT-PCR, với công suất 65.793 mẫu (đơn)/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể nâng công suất lên 1,5-2 lần để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Các chuyên gia cho rằng, năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã tăng cao so với đợt dịch trước, tuy nhiên, bên cạnh số lượng tăng cường thì phải tăng cường chất lượng, do đó việc lấy mẫu vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng, kết quả xét nghiệm. Để làm được điều này đòi hỏi cán bộ lấy mẫu phải được tập huấn thường xuyên, phải đánh giá tập huấn cho nhân viên lấy mẫu, kiểm soát quá trình chất lượng lấy mẫu. Cùng với đó, vật liệu lấy mẫu, môi trường lấy mẫu phải phù hợp với kỹ thuật lấy mẫu.

Đồng quan điểm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) nêu: Hiện tại trên thế giới không có một kít nào đảm bảo 100%  độ chính xác cao, mỗi một loại đưa ra các kết quả dương tính giả, âm tính giả là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên để ngăn ngừa việc đó phải đảm bảo chất lượng ngay từ khâu lấy mẫu đến phòng xét nghiệm. Hiện tại các phòng xét nghiệm đang rất áp lực bởi vậy chúng ta nên vận dụng mạng lưới các phòng xét nghiệm, chia sẻ công việc với nhau để tránh quá tải, cần tận dụng nguồn lực một cách tối ưu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, năng lực xét nghiệm, công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều. Công suất xét nghiệm hiện nay đã tăng 2-3 lần so với các đợt dịch trước, có thể đạt khoảng 100.000 mẫu đơn/ngày. Tuy nhiên, với công suất xét nghiệm tăng cao đòi hỏi cần phải tăng cường nội kiểm, ngoại kiểm để nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị, địa phương, các cơ sở xét nghiệm cần xây dựng kịch bản xét nghiệm cụ thể, chi tiết trong tình huống toàn quốc có 30.000 người mắc; thành lập ngay tổ tư vấn để xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn về xét nghiệm trong tình hình mới; tổ chức tập huấn cập nhật kiến  thức về xét nghiệm cho địa phương. Các địa phương cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị máy móc, thiết bị cho nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo tinh thần "4 tại chỗ", không để thiếu hụt khi dịch lan rộng trong cộng đồng hay diễn biến dịch xấu hơn, việc mua bán cần công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hà Nội: 48 giờ tới là thời gian quyết định để truy vết, khoanh vùng Covid-19
Chiều 13/5, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp giao ban dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư