Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bosch khuyến cáo sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông
Như Lưu - 13/03/2017 15:32
 
Một trong những giải pháp của Tập đoàn Bosch đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho người lái xe khi lưu thông trên đường, giảm thiểu được tai nạn giao thông ở các nước Đông Nam Á chính là đưa vào sử dụng rộng rãi hệ thống cân bằng điện tử (ESC hoặc ESP ) và hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) dành cho ô tô và xe máy.

Theo thống kế, mỗi năm, có khoảng 63.000 vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong ở các nước ASEAN. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới con số thật sự có thể lên đến 117.000 nếu bao gồm các hồ sơ tai nạn chưa được thu thập.

Bên cạnh đó, thống kê cho thấy chỉ số tử vong do tai nạn giao thông của các nước trong khu vực có sự chênh lệch khá cao. Singapore là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp nhất thế giới, Thái Lan là đất nước đang phải đối mặt với tình trạng tai nạn giao thông ở mức báo động. Philippines đứng sau Singpapore với lượng thương vong ít thứ nhì trong khu vực ASEAN.

Xe máy khi không lắp đặt ABS.
Xe máy khi không lắp đặt ABS.

Phát biểu tại hội nghị kinh tế châu Âu và ASEAN vừa qua tại Manila, Philippines, ông Martin Hayes, Chủ tịch Bosch khu vực Đông Nam Á cho biết: “Chúng ta cần tìm các giải pháp bền vững để khắc phục nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trẻ trong khu vực, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân và gây tốn kém không ít chi phí hằng năm cho các Chính Phủ”.

Các nhà lãnh đạo trong khối ASEAN nhấn mạnh những tác động nặng nề của tai nạn giao thông đến sức khỏe người dân nói riêng và tốc độ phát triển kinh tế nói chung. Tháng 11 năm 2015, các bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiến hành đề án An toàn Giao thông khu vực ASEAN nhằm đề ra chiến lược và hành động với mục tiêu giảm một nửa tỉ lệ tai nạn giao thông trước năm 2020. Chiến lược này cũng nhận được sự cam kết từ các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hội đồng cộng đồng kinh tế ASEAN vào tháng 2 năm 2017. Các thành viên từ hai đơn vị trên sẽ đóng góp triển khai các đề án nhằm cải thiện chính sách và chương trình an toàn đường bộ, điều chỉnh các quy định về an toàn của khu vực theo quy định của Liên Hiệp Quốc. Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố giai đoạn 2011-2020 là thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ với mục tiêu ổn định và giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông trên toàn thế giới.

“Đối với Bosch, mỗi một ca tử vong do tai nạn giao thông là tổn thất rất lớn”, ông Hayes nói và cho biết: Là nhà cung cấp thiết bị và phụ tùng ô tô, xe máy, chúng tôi tin rằng tác động đáng kể nhất mà ngành công nghiệp ô tô, xe máy có thể thực hiện là sản xuất những chiếc xe an toàn hơn bằng việc trang bị những hệ thống an toàn hiện đại.

Nhiều thập kỷ qua, Bosch không ngừng nghiên cứu và cải tiến công nghệ vì một tương lai không tai nạn. Từ năm 1978 đã có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) đầu tiên trên thế giới dành cho xe ô tô chở khách giúp ngăn bánh xe bị khóa trong trường hợp phanh khẩn cấp. Năm 1995, Bosch cải tiến công nghệ khi cho ra mắt hệ thống cân bằng điện tử (ESC hoặc ESP). Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống này được lắp ráp vào hơn 64% số lượng ô tô trên toàn cầu. Riêng tại Châu Âu, ESP góp phần ngăn chặn hơn 300.000 vụ tai nạn giao thông, giúp hơn 8.500 người bảo toàn sinh mạng.

Đông Nam Á giữ vị trí lớn thứ ba thế giới về thị trường tiêu thụ xe hai bánh, và xe hai bánh cũng là nguyên nhân dẫn đến hơn một nửa số vụ tử vong do tai nạn giao thông ở khu vực này. Mỗi năm, có khoảng 21.000 vụ tai nạn xe máy ở Indonesia và Thái Lan. Vì vậy, một trong những yếu tố cần thiết giữ xe an toàn hơn là ABS. Hệ thống này giúp ngăn chặn nguy cơ té ngã do chủ động ngăn chặn bánh xe bị khóa đột ngột cũng như tăng khoảng cách an toàn khi phanh đột ngột. Theo nghiên cứu của Bosch, nếu các loại xe máy đều được trang bị ABS, khoảng một phần tư tai nạn giao thông sẽ được giảm. Hiện tại, việc lắp đặt hệ thống ABS là bắt buộc tại nhiều quốc gia trên thế giới như các nước Châu Âu, Nhật, Đài Loan và Ấn Độ.

“Tôi tin rằng chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường các hệ thống an toàn. Các biện pháp lập pháp để bắt buộc sử dụng hệ thống an toàn đã được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triền trên toàn cầu”, ông Hayes nhấn mạnh. Các quốc gia như khu vực Nam Phi, một phần Nam Mỹ, Trung Đông và hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn chưa bắt buộc lắp đặt các tính năng an toàn như ABS, ESC cho xe máy hoặc xe ô tô chở khách. Hiện tại, Malaysia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khối ASEAN sẽ chỉ tiêu thụ xe ô tô khi được trang bị ESC từ năm 2018 trở đi.

Hiện nay, các phương tiện vận chuyển đạt chuẩn an toàn cao đều được trang bị túi khí ESC hoặc hệ thống chống bó cứng phanh ABS vì các thiết bị này không chỉ giúp bảo vệ hành khách mà còn giúp các nhà sản xuất tại thị trường địa phương hiện thực hóa cơ hội xuất khẩu sang những thị trường ô tô xe máy lớn. “Nếu muốn phát triển ASEAN thành một trung tâm sản xuất ô tô tầm cỡ thế giới và có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực, Chính Phủ các nước nên có sự quan tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các tính năng an toàn này”. 

“Việc cải thiện an toàn đường bộ là một quá trình cần nhiều thời gian cũng như sự phối hợp của nhiều đơn vị bao gồm ban lãnh đạo cấp Chính Phủ, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và những doanh nghiệp trong ngành”, ông Hayes nhận định.

Bosch hợp tác cùng Sony phát triển hệ thống video an ninh
Bộ phận Hệ thống An ninh Bosch và Tập đoàn Sony (Nhật Bản) vừa ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh để phối hợp phát triển những sản phẩm và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư