Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bùi Trần Phi Long, CEO Công ty TNHH Sáng tạo NÂU: “Chúng tôi muốn cùng tạo nên sự thay đổi”
Hồng Phúc - 07/09/2017 09:00
 
Từng có lúc muốn thay đổi người khác, nhưng khi bắt tay vào mỗi dự án khởi nghiệp, Bùi Trần Phi Long, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Công ty TNHH Sáng tạo NÂU phát hiện ra rằng, thu hút được những người đồng chí hướng mới thực sự làm nên sự thay đổi.

Từ công cụ gia tăng trải nghiệm thương hiệu…

Người trong giới start-up biết đến Bùi Trần Phi Long với vai trò là đồng sáng lập, CEO Công ty  TNHH Sáng tạo NÂU nhiều hơn tại 3 dự án cũng gắn với tên Phi Long là Greenbot, Goalify.plus hay Chôm Chôm.

NÂU ra đời sớm nhất, từ năm 2014. Quãng thời gian duy trì và phát triển NÂU, những người sáng lập gặp nhiều vấn đề về nhân sự. Dù biết điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của NÂU, nhưng họ không đủ khả năng, công cụ để trở nên thấu hiểu và gần gũi với nhân viên.

.
Bùi Trần Phi Long, CEO Công ty TNHH Sáng tạo NÂU.

Song, vấn đề của NÂU lại khiến Long và đồng sáng lập Trần Trọng Thanh có ý tưởng mới. Đó là NÂU phải gây dựng một đội ngũ chất, thay vì chỉ bán một sản phẩm đơn thuần. Kết quả, họ có một bộ máy cái đang cùng thực hiện 3 dự án.

Nói đơn giản, NÂU cung cấp giải pháp giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng với sự khác biệt cho một thương hiệu, thông qua công cụ số. Phi Long lấy ví dụ, một công ty tại Việt Nam ban đầu có 5 nhân viên, nhưng hiện đã lên trên 80 người. Bài toán của đối tác đặt ra với NÂU, ngoài việc tiếp cận và thu hút khách hàng mục tiêu, họ cần giữ nhân viên.

Việc của NÂU là tìm lý do khiến doanh nghiệp và nhân viên chưa hiểu nhau. “Chủ đề rất khó nhưng lại quen, vì NÂU từng gặp. Có thể vì nhân viên nghe, biết về văn hóa và quy định của công ty, nhưng không làm. Có thể vì nhân viên cảm thấy vai trò của họ không được công nhận, đặc biệt start-up, guồng xoay nhanh, làm xong đi về, họ chán nản và nghỉ. Cũng có thể vì họ không được đền bù xứng đáng”, Phi Long mổ xẻ tình huống đã từng gặp.

NÂU xây dựng giải pháp để gỡ. Ví dụ nhân viên bảo vệ được gắn với vai chào đón và khiến khách hàng vui ngay lúc bước vào cửa hàng. Nếu làm được, nhân viên được chấm thưởng. Với đội ngũ làm sáng tạo, giải pháp là cách thức nhìn thấy sự công nhận của người lãnh đạo… “Suy cho cùng, mọi người nỗ lực làm việc cũng là để được người khác đánh giá xứng đáng”, Phi Long chia sẻ.

Hiện tại, đối tác của NÂU có thể kể đến những thương hiệu uy tín như AIA, Chợ Tốt, NaFoods, Kềm Nghĩa...

… đến hệ sinh thái khởi nghiệp

Phi Long muốn tạo nên một hệ sinh thái. Từ khi cùng Trọng Thanh làm việc tại Singapore, họ đã muốn lập một nơi tụ họp những người cùng chí hướng.

“Chúng tôi tự hỏi, tại sao không về nước mình xây dựng 1 đội ngũ, 1 môi trường để làm những gì mình thích. Chúng tôi đã từng muốn thay đổi người khác, còn giờ thì chỉ muốn tụ họp người cùng ý tưởng”, CEO NÂU chia sẻ.

Đây là lý do 15 kỹ sư của NÂU hiện cũng được phân bổ và có cổ phần trong những dự án đang phát triển của NÂU, nghĩa là sức mạnh của NÂU đang cùng thể hiện trong một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Phi Long gọi Greenbot là “có tiếng, không có miếng”. Đến giờ, dự án này vẫn dừng lại ở ngữa start-up, chưa thương mại hóa được do khách hàng ít, giá hệ thống còn khá cao. Greenbot cung cấp giải pháp trồng rau thông minh. Hệ thống tự động làm mọi thứ, lắng nghe và phân tích “sức khỏe” dàn rau củ, từ đó gợi ý giải pháp cho người trồng... Người dùng Greenbot chỉ mất 3 phút/ngày để chăm sóc, nhưng hiệu quả của khu vườn sẽ tối ưu. Có thể sản phẩm này chưa đúng thời điểm”, Phi Long thừa nhận.

Còn với Goalify.plus, vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, dù mới chạy thử nghiệm từ tháng 8 vừa qua, nhưng đội ngũ sáng lập đặt nhiều kỳ vọng.

Goalify đưa ra công cụ để lãnh đạo doanh nghiệp thúc đẩy năng suất lao động, cải thiện văn hóa doanh nghiệp và truyền cảm hứng cho từng cá nhân trong tổ chức. Công cụ này cung cấp 12 phân hệ chính, như Dashboard (cập nhật thông tin trong tổ chức), Tin tức (các tin tức, thông báo nội bộ của công ty được cập nhật và đăng tải liên tục đến toàn thể nhân viên), Quản lý mục tiêu theo phương pháp OKR (đưa ra các mục tiêu hợp lý cho đội ngũ), Kết nối văn hoá (nuôi dưỡng và kết nối giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp tới từng nhân viên)...

Theo Long, trên thế giới hiện có 8 đơn vị cung cấp công cụ này, đa số tại Mỹ và Canada. Còn Việt Nam có một đơn vị đang triển khai, nhưng chưa đưa sản phẩm ra thị trường. Goalify hiện có khoảng 50 thành viên thử nghiệm.

“Đây là tín hiệu tốt để chúng tôi tin tưởng vào kế hoạch năm nay đạt doanh thu 1 triệu USD, lợi nhuận biên sau thuế 20% và đến từ 3 nhóm doanh nghiệp là từ 11-15 nhân viên/doanh nghiệp; 16-25 nhân viên/doanh nghiệp và 26-50 nhân viên/doanh nghiệp”, Bùi Trần Phi Long chia sẻ...

Các cộng sự của NÂU đang dồn niềm tin vào hệ sinh thái họ cùng tạo dựng và cùng chờ đợi thành công.

Chat cùng Bùi Trần Phi Long:

Tại sao tên Công ty là NÂU?

NÂU là màu cà phê - thức uống yêu thích của các đồng sáng lập. Thực ra, đó là các từ viết tắt của Non routine - không làm việc theo thói quen; Autonomous - tự quản lý những gì mình đang làm và Unique - độc nhất.

NÂU sống thế nào?

Tháng 8/2015, chúng tôi tự cắt “nguồn sữa” chính từ đối tác chiến lược vì không chung mục tiêu ban đầu đã thống nhất. Một nửa nhân sự (khoảng 20 người) đã rời bỏ công ty. Cả năm 2015, đội ngũ sáng lập không có đồng lương nào. Sau đó, tôi buộc phải cầm nhà để hoàn thiện hợp đồng vào Tết 2016 và có nguồn tiền dần ổn định. Còn giờ, NÂU đang vận hành ổn định.

Nhưng việc của người kinh doanh là không than thở!

Đúng. Vì vậy khi Công ty đang đi vào vận hành ổn định, chúng tôi lập Chôm Chôm để trở thành một quỹ đầu tư. Người khác có thể đổ tiền vào đây, để rót vốn vào những dự án mà các kỹ sư hiện tại của chúng tôi xây dựng ra.
Nữ doanh nhân khởi nghiệp với ứng dụng hẹn hò: "Làm việc mình yêu và yêu việc mình làm" là tận hưởng cuộc sống
Với mong muốn thay đổi quan niệm của xã hội về hẹn hò, dịch vụ kết nối con người, Vũ Nguyệt Ánh, người sáng lập và CEO Rudicaf đã mạnh dạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư