
-
TP.HCM “cân não” tìm quỹ đất thanh toán cho dự án ngăn triều
-
TP.HCM khởi công và khánh thành hàng loạt công trình trước ngày 30/4
-
Chính thức nới công suất của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình lên 5 triệu khách/năm
-
Quảng Trị đốc thúc tiến độ dự án hạ tầng BIIG2
-
Tiến độ 2 dự án cao tốc qua địa bàn TP. Cần Thơ -
Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi
Thi công hầm số 2, Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. |
Đã hứa là làm
Tròn 1 tháng sau chuyến kiểm tra hiện trường của Đoàn kiểm tra số 5, do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn, nhịp điệu thi công trên công trường xây dựng Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 121 km ngày một rốt ráo, khẩn trương.
Tại thời điểm Đoàn kiểm tra số 5 thị sát 4 công trình cao tốc miền núi phía Bắc, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tiến độ tốt nhất, khi chỉ chậm 0,54% kế hoạch.
Dù vậy, với tinh thần “đã hứa là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã yêu cầu các nhà thầu huy động bổ sung 300 nhân sự, 120 thiết bị, nâng tổng số lao động trên toàn dự án lên hơn 2.000 người và 985 máy móc thiết bị, triển khai thi công trên 71 mũi.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Ban điều hành Tổng thầu thi công Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, để gia tăng sản lượng, doanh nghiệp dự án và Tổng thầu đã làm việc cụ thể với từng nhà thầu và ký cam kết tiến độ thi công theo ngày, theo tuần, quy định rõ số lượng máy móc, nhân sự và sản lượng cho từng mũi, giao ban hàng tuần kiểm soát tiến độ, bám sát kế hoạch đề ra.
Nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các nhà thầu để chạy đua với thời gian, doanh nghiệp dự án đã hỗ trợ tạm ứng khoảng 60 tỷ đồng để sung máy móc và nhân công.
“Có những nhà thầu dù đã đủ năng lực nhưng vẫn thuê thêm thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng tốc thi công”, ông Phạm Duy Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.300 tỷ đồng với VPBank, áp dụng các giải pháp công nghệ như mô hình thông tin công trình, hệ thống cảm biến để theo dõi, giám sát hiệu suất hoạt động thiết bị trên công trường.
Những chuyển biến nói trên tại công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Bộ Xây dựng ghi nhận trong báo cáo mới nhất gửi Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn về kết quả tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại 4 dự án đường bộ cao tốc gồm: Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang; Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng của Đoàn kiểm tra số 5.
Cụ thể, tính đến ngày 27/3, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh không còn chậm 0,54% kế hoạch, mà đang có sự bứt tốc mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu thông toàn bộ tuyến cao tốc dài 121 km vào cuối tháng 12/2025.
Cũng tại dự án này, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành di dời thêm được 79/158 hộ dân; Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các đơn vị thi công trong tháng 4/2025.
Chuyển động tịnh tiến mạnh mẽ không chỉ xuất hiện tại tuyến cao tốc kết nối Cao Bằng với Lạng Sơn, mà còn lan tỏa tại hầu hết dự án đường cao tốc có kế hoạch hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Theo đó, sau khi một số tồn tại về mặt bằng, vật liệu xây dựng được các địa phương tích cực giải quyết, tại nhóm 18 dự án bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025, các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực triển khai bám sát kế hoạch.
Dự kiến, ngay trong dịp 30/4/2025, Bộ Xây dựng và các địa phương sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 2 đoạn với chiều dài 90 km thuộc Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (20 km) và Dự án Cao tốc Vân Phong - Nha Trang (70 km); thông xe tuyến chính cao tốc của 4 dự án với tổng chiều dài 158 km (Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35 km; Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54 km; Bùng - Vạn Ninh dài 49 km; Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 20 km).
Bên cạnh đó, sẽ có 5 dự án với tổng chiều dài 278 km được tập trung giải quyết các tồn tại, tích cực thi công để phấn đấu thông xe vào ngày 30/9/2025 (Vũng Áng - Bùng; Vạn Ninh - Cam Lộ; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Hòa Liên - Túy Loan và 13 km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang).
Tám dự án còn lại gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Chí Thạnh - Vân Phong; Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Bến Lức - Long Thành; Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An, đang được các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức triển khai thi công khoa học, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025.
Những “đường găng” tiến độ
Trong Công văn số 29/BC - BXD gửi Thường trực Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn kiểm tra do các Phó thủ tướng làm Trưởng đoàn, Bộ Xây dựng cho biết, “đường găng” đối với mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025 đang rơi vào một số dự án/dự án thành phần do các địa phương làm chủ quản đầu tư.
Cụ thể, các dự án thành phần 1 và 3, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Khánh Hòa 20 km, Đắk Lắk 48 km); dự án thành phần 1 Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai 16 km); Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (Hà Giang 27 km, Tuyên Quang 77 km) với tổng chiều dài 188 km còn vướng mắc về mặt bằng, vật liệu xây dựng, nguồn vốn, khối lượng còn lại lớn.
Các đơn vị cần chủ động khắc phục các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực thi công 3 ca, 4 kíp, tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô, thi công cuốn chiếu, tổ chức thi công khoa học thì mới đáp ứng khả năng hoàn thành vào năm 2025.
Bên cạnh đó, cụm dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua TP.HCM (47 km), Đồng Nai (11 km), Bình Dương (11 km) có tổng chiều dài 69 km, tuy không còn vướng mắc về mặt bằng, nhưng khối lượng vật liệu cần đưa về công trường rất lớn (khoảng 4 triệu m3 cần đưa về công trường trước ngày 30/6/2025, trong khi công suất khai thác còn hạn chế).
Nhóm dự án này cũng có khối lượng triển khai từ nay đến cuối năm còn rất nhiều (67 - 74%), nên các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu phải có giải pháp kỹ thuật hợp lý, nỗ lực triển khai thì mới đáp ứng được tiến độ hoàn thành cuối năm 2025, nếu không sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đặc biệt, Dự án Đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài 16 km, hiện cần tới 0,5 triệu m3 cát phải đưa về công trường trước ngày 30/4/2025 để hoàn thành công tác gia tải. Sản lượng thi công tại dự án này đến ngày 26/3/2025 tuy đạt 58%, nhưng thời gian gia tải, chờ lún lại kéo dài qua năm 2026, nên tuyến cao tốc đi qua vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long này sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2025 như kế hoạch đề ra.
Ngay cả các dự án/dự án thành phần được đánh giá là có điều kiện thuận lợi hoặc các khó khăn vướng mắc đã cơ bản được giải quyết cũng không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh tình hình thời tiết năm 2025 được dự báo diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 3/2025 diễn ra vào ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư phải đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu xây dựng kế hoạch triển khai, huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, tập kết đủ nguyên vật liệu và tổ chức thi công theo đúng kế hoạch; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện trên hiện trường, kịp thời xử lý các nhà thầu, đơn vị chậm trễ theo đúng quy định trong Hợp đồng.
Các đơn vị này cũng được yêu cầu rà soát chính xác nhu cầu sử dụng vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án phải hoàn thành trong năm 2025; trên cơ sở đó đăng ký nhu cầu điều chỉnh kế hoạch năm 2025 (xin tăng hoặc giảm) ngay trong tháng 4/2025.
Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc không giải ngân được hết kế hoạch năm 2025. Đây là một trong những kết quả để đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các đơn vị; giao Vụ Kế hoạch - Tài chính theo dõi, đánh giá hàng tháng kết quả thực hiện giải ngân của các đơn vị để tham mưu xử lý kịp thời.
“Giám đốc Ban Quản lý dự án phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bám sát hiện trường, tổ chức họp kiểm điểm và đánh giá hàng tuần, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công dự án”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo.
Theo kế hoạch, dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc, gồm 28 dự án/dự án thành phần (dự án), bao gồm 17 dự án (889 km) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 11 dự án (299 km) do địa phương làm cơ quan chủ quản. Tiến độ triển khai cụ thể như sau:
Nhóm I gồm 16 dự án/dự án thành phần, với tổng chiều dài 786 km (trong đó Bộ Xây dựng chủ quản 14 dự án/760 km, các địa phương chủ quản 2 dự án/26 km) có điều kiện thuận lợi hoặc các khó khăn vướng mắc đã cơ bản được giải quyết.
Các dự án/dự án thành phần này gồm: 10 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025; Hòa Liên - Túy Loan; dự án thành phần 3, Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Bến Lức - Long Thành (trừ 3 km cầu Phước Khánh); Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An.
Nhóm II gồm 12 dự án/dự án thành phần, với tổng chiều dài 402 km (trong đó Bộ Xây dựng chủ quản 3 dự án/129 km, các địa phương 9 dự án/273 km) cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng và tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” mới có thể hoàn thành trong năm 2025.
Các dự án/dự án thành phần này gồm: 2 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025; Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua Tuyên Quang và Hà Giang; dự án thành phần 1 và 3 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 TP.HCM; Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 và 2 Biên Hòa - Vũng Tàu.

-
Bước tiến mới tại các dự án cao tốc trọng điểm -
Quảng Trị đốc thúc tiến độ dự án hạ tầng BIIG2 -
Tiến độ 2 dự án cao tốc qua địa bàn TP. Cần Thơ -
Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi -
Kiến nghị đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự và Tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp -
Cần tới 77.452 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cảng biển TP.HCM đến năm 2030 -
Khánh thành dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Bình Định có thêm dự án 52 triệu USD
-
Manufacturing Binh Duong 2025: Cơ hội kết nối, đón đầu công nghệ ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo
-
Vinmec được vinh danh là Hệ thống y tế của năm
-
FTA Index là động lực thúc đẩy địa phương tối ưu hóa cơ hội từ các FTA
-
Cà Mau dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá thực hiện hiệu quả các FTA
-
Năm thứ 2 liên tiếp VPBank NEOBiz được vinh danh là Ứng dụng Ngân hàng tốt nhất
-
Uuviet Solutions và dự án 18.000 tỷ đồng: Bước tiến mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội.