Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau: Méo mặt vì xây “cầu nợ” Hòa Trung 300 tỷ đồng
Anh Minh - 10/10/2016 08:20
 
Hơn 9 tháng, kể từ khi cầu Hòa Trung trị giá gần 300 tỷ đồng vượt sông Gành Hào (tỉnh Cà Mau) được đưa vào khai thác, các nhà thầu vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào.

Cho đến thời điểm này, Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 (Cienco4) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) đã bắt đầu thấm dư vị đắng nghét từ gói thầu số 6, xây dựng cầu Hòa Trung - công trình cầu lớn vượt sông Gành Hào mà liên danh nhà thầu này đã dốc sức hoàn thành chỉ trong vòng 6 tháng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong vòng 9 tháng qua, liên danh nhà thầu này đã phải liên tục gửi văn bản tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị sớm bố trí vốn thanh toán cho công trình.

nhà thầu thi công công trình Cầu Hòa Trung đang có nguy cơ thua lỗ lớn vì bị chậm thanh toán quá lâu. Ảnh: Anh Minh
Nhà thầu thi công công trình Cầu Hòa Trung đang có nguy cơ thua lỗ lớn vì bị chậm thanh toán quá lâu. Ảnh: Anh Minh

Cần phải nói thêm rằng, liên danh Cienco1 - Cienco4 được Bộ GTVT chỉ định thực hiện gói thầu trên, thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng đường Cà Mau - Đầm Dơi (nối Quốc lộ 1 và huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Đây là công trình cầu vượt sông được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, có tổng chiều dài 1.286 m, trong đó, phần cầu chính và đường đầu cầu dài 626 m, chiều dài đường vuốt nối khoảng 660 m. Gói thầu có giá trị hợp đồng là 292 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 6/2015 và hoàn thành vào cuối năm 2015.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc điều hành dự án (Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) cho biết, cầu Hòa Trung là công trình cầu có tiến độ thi công nhanh nhất từ trước đến nay.

Bắt đầu từ tháng 3/2015, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh mới nhận nhiệm vụ chủ đầu tư dự án sau khi tiếp nhận từ địa phương. Trong khi vốn đầu tư chưa được cấp, thủ tục đầu tư chưa duyệt, đấu thầu lại từ đầu, mặt bằng chưa bàn giao hoàn chỉnh…, nên có thể nói đây là một dự án quá gấp về tiến độ. Đặc biệt, điều kiện thi công dự án rất khó khăn, mỗi ngày có 2 con nước lên xuống, nên sà lan chở thiết bị, vật liệu đến thi công rất khó.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco4, cầu Hòa Trung được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng theo hình thức ứng vốn trước thi công và được hoàn trả bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Để kịp tiến độ, ngoài việc huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị các nhà thầu đã phải vay nóng các ngân hàng.

Trong văn bản “thúc nợ” gửi Chính phủ hồi cuối tháng 8/2016, liên danh do Cienco4 đứng đầu muốn được các bộ, ngành bố trí thanh toán từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư từ các dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 hoặc từ các nguồn vốn hợp khác do tình hình công nợ đã “căng như dây đàn”.

“Ngoài các khoản vay tín dụng với lãi suất cao, nhà thầu còn đang nợ một khoản kinh phí khá lớn đối các đơn vị cung cấp vật liệu cũng như lương cho người lao động”, một lãnh đạo trong liên danh nhà thầu cho biết. Xác nhận khoản công nợ nói trên của nhà thầu là có thật, đại diện chủ đầu tư Dự án (là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) khẳng định, họ đang nỗ lực báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tìm nguồn thanh toán.

Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng kể từ khi bàn giao công trình và đã ứng ra tới 292 tỷ đồng, mối quan ngại của nhà thầu đang tăng lên, khi đến thời điểm này, họ vẫn chưa nhận được tín hiệu chắc chắn của việc sẽ được ngân sách bố trí hoàn trả trong những năm tới.

Lo lắng của nhà thầu là có cơ sở, bởi theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, trong Tờ trình số 6899/TTr - BKHĐT (ngày 31/8/2016) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 gửi Thủ tướng Chính phủ, khoản công nợ tại cầu Hòa Trung lại không có tên rong Danh mục.

Trước đó, trong Văn bản số 1482/BGTVT - KHĐT của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 2/2016, cầu Hòa Trung từng được đưa vào danh mục các dự án được bố trí từ vốn dư Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.

“Cơ hội thanh toán cho các nhà thầu hiện trông cậy cả vào việc chen chân vào danh mục các dự án sử dụng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chúng tôi đang đeo bám các bộ, ngành để Dự án cầu Hòa Trung lọt vào danh sách tổng hợp cuối cùng”, ông Lê Thanh Bình, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi nhận vốn trong 3 năm tới, nguy cơ thua lỗ đối với các nhà thầu là rất lớn, khi cơ hội được bổ sung chi phí lãi vay trả chậm theo lãi suất ngân hàng trong thời gian thi công cho đến khi được thanh toán toàn bộ vốn ứng như đề xuất mới nhất của Cienco1 - Cienco4 là rất thấp.

“Đề nghị này là chưa có tiền lệ, đồng thời trong hợp đồng thi công ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng không có điều khoản này nên không có cơ sở để xem xét”, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Cà Mau: Cầu bắc qua sông trị giá hơn 4 tỷ đồng chưa nghiệm thu đã sập
Hai nhịp cầu nông thôn trị giá hơn 4 tỷ đồng ở Cà Mau đã sập hoàn toàn xuống sông sau khi được thông xe hồi đầu năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư