Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Các bộ, địa phương góp ý cho Đề án Phát triển, hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu
Linh Đan - 07/01/2025 10:20
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” chưa nêu rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng.
Quảng Nam đang hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, trong đó, sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực.
Quảng Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu lớn của miền Trung, trong đó, sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa góp ý dự thảo Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Đề án chưa nêu rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án và đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam bổ sung thuyết minh làm rõ căn cứ chính trị và pháp lý trong việc chỉ đạo, giao nhiệm vụ xây dựng Đề án, bảo đảm tính thống nhất và khả thi khi xây dựng và thực hiện Đề án.

Dự thảo Đề án gồm 2 nội dung chính, gồm phát triển vùng trồng nguyên liệu, dược liệu; thu hút đầu tư, hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý là chưa có sự gắn kết giữa cơ sở sản xuất với vùng trồng nguyên liệu nhằm bảo đảm tính thống nhất và khả thi Đề án. Vùng nguyên liệu dược liệu (trong đó có Sâm Ngọc Linh) nằm rải rác trong phạm vi tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh lân cận như: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi; quy mô thu mua còn nhỏ lẻ, manh mún tự phát của nhân dân; chưa có cơ sở chế biến dược liệu có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, giải pháp đề ra chưa có cơ chế gắn kết việc phát triển cơ sở công nghiệp sản xuất dược liệu với vùng trồng và cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ để bảo đảm chất lượng giống cây trồng và gia tăng giá trị cho sản phẩm công nghiệp dược.

Nội dung thành lập Trung tâm công nghiệp dược liệu (Trung tâm) với quy mô 50 ha tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam nhưng chưa làm rõ mô hình hoạt động, vai trò, chức năng, cơ chế đầu tư xây dựng, vận hành và quản lý Trung tâm.

Việc hình thành Trung tâm trong Khu kinh tế mở Chu Lai cần được rà soát, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, không chồng lấn với các dự án đầu tư khác và đảm bảo tuân thủ quy định về thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Nam cần làm rõ căn cứ xác định chỉ tiêu diện tích vùng nguyên liệu và sản lượng dự kiến; bổ sung chỉ tiêu về xuất khẩu sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh ra thị trường quốc tế; bổ sung chỉ tiêu xác định công suất các nhà máy, cơ sở sản xuất thuộc Đề án (3 nhà máy sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp; một số cơ sở sản xuất khác,…) làm căn cứ xác định số lượng các nhà máy/cơ sở sản xuất phù hợp.

Cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Nam rà soát, phân tích làm rõ những vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết,…) và trong khâu tổ chức thực hiện làm cản trở quá trình phát triển công nghiệp dược trên địa bàn. Từ đó, tỉnh Quảng Nam đề xuất các giải pháp, biện pháp phù hợp với thẩm quyền, có tính khả thi và không trái quy định của pháp luật. Trường hợp cần sửa đổi quy định của pháp luật cần có khảo sát, đánh giá tác động theo quy định…

Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, Đề án có nhiều nội dung liên quan đến Sâm Ngọc Linh. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế và UBND các tỉnh (bao gồm UBND tỉnh Quảng Nam) triển khai thực hiện. Dự kiến, diện tích phát triển Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 8.400 ha (bao gồm 7.740 ha dưới tán rừng phòng hộ và 660 ha dưới tán rừng sản xuất).

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị tỉnh Quảng Nam làm rõ mối liên hệ giữa Đề án này với Chương trình được phê duyệt tại Quyết định 611/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ, xem xét các nội dung có khả năng trùng lặp giữa 2 văn bản này liên quan đến Sâm Ngọc Linh. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam phân tích, làm rõ hiệu quả dự kiến của Đề án, đặc biệt là về kinh tế và môi trường.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” do UBND tỉnh Quảng Nam chuẩn bị.

Tuy nhiên, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung về “Giải pháp tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại để tạo ra các sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao từ cây Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu địa phương (thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe…” góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch của vùng.

Hà Nội ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu
16 loại cây dược liệu chủ lực bao gồm trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư