Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 07 năm 2024,
Các con đường lây truyền viêm gan B
D.Ngân - 28/07/2024 10:45
 
Viêm gan virus B lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, do vậy, người dân cần chú ý đề phòng tránh mắc bệnh một cách đáng tiếc.

Nhiều con đường lây truyền viêm gan B

Bệnh viêm gan B mạn tính vẫn đang là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm trên phạm vi thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính hiện có khoảng 296 triệu người bị viêm gan B mạn tính.

Viêm gan virus B lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, do vậy người dân cần chú ý đề phòng tránh mắc bệnh một cách đáng tiếc.

Năm 2022, ước tính có khoảng 1,1 triệu người chết trên phạm vi thế giới do vi rút viêm gan B. Con số này được dự báo tiếp tục tăng đến 1,14 triệu người vào năm 2034 nếu không có các biện pháp can thiệp hiệp quả.

Ở Việt Nam và nhiều nước châu Á nằm trong khu vực có tỷ lệ nhiễm HBV mạn tính thuộc hàng cao trên thế giới (>8% dấn số).

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan và xơ gan trước tuổi 35 - 40 trước đây còn thấp, nhưng gần đầy tăng lên nhanh chóng.

Theo các bác sỹ, virus viêm gan B lây từ người nhiễm virus sang người lành qua các đường từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở; tiếp xúc với máu của người bệnh tại vết thương hở như vết cắt, xước và cào; sử dụng chung bơm tiêm, kim tiêm với bệnh nhân. Bệnh còn có thể lây kho dùng chung các vật dụng bị nhiễm virus như bàn chải đánh răng, dao cạo râu; quan hệ tình dục không an toàn...

Viêm gan B không lây qua hắt hơi, ho, ôm, cho con bú, qua thức ăn hoặc nước uống, dùng chung đồ như sử dụng chung ly uống nước hay ăn uống chung.

Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt song có nồng độ thấp, khó lây nhiễm với người khác. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể lây nhiễm khi bệnh nhân gặp vấn đề về răng miệng như xước, loét, viêm lợi, chảy máu chân răng.

Vì vậy, người sống chung nhà với bệnh nhân viêm gan B không cần ăn, uống riêng để phòng lây nhiễm. Tuy nhiên, gia đình nên hạn chế chấm chung nước chấm hoặc sử dụng chung đũa gắp thực phẩm. Việc này cũng giúp phòng các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn HP, virus viêm gan A và E.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan cao nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính khoảng 15-26% dân số. Số ca mắc mới và tử vong hằng năm đều trên 25.000 trường hợp

Thời gian qua theo thông tin từ các cơ sở y tế có nhiều ca biến chứng nặng do mắc viêm gan siêu vi B mà không điều trị kịp thời.

Bác sỹ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo thực trạng đáng buồn gặp phải trong quá trình thăm khám đó là nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên mới đi khám...

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân khác bị u gan khi mới 20-25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam.

Hiện nay, dù đã có vắc-xin và nhiều khuyến cáo phòng bệnh từ ngành Y tế song bệnh viêm gan B vẫn đang là bài toán nhức nhối vì nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phòng chống.

Ước tính, trong khoảng 8 triệu người mắc chỉ có khoảng trên dưới 1/10 thực sự được chăm sóc y tế, còn lại vẫn cho rằng bệnh có thể điều trị không đúng cách hoặc tự dùng các thuốc do mách bảo nhau đến khi biến chứng nặng mới nhập viện làm mất đi cơ hội điều trị.

Do không có triệu chứng nên viêm gan virus được coi như "sát thủ thầm lặng" âm thầm hủy hoại sức khỏe con người. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan virus B và C có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan, xấu nhất là tử vong.

PGS.Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hoá - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện nay tỷ lệ các bệnh về gan mật như ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng.

Tại Trung tâm Tiêu hoá - Gan mật hàng ngày đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng xơ gan và ung thư tế bào gan đến khám, chẩn đoán và điều trị.

Đáng lưu ý, các bác sỹ tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám trước đó hầu như không có triệu chứng nhưng khi đến viện đã ở giai đoạn muộn. Đặc biệt, nhiều trường hợp dưới 30 tuổi đã mắc bệnh.

PGS.Long phân tích nguyên nhân dẫn tới xơ gan, ung thư gan của người Việt Nam gia tăng là do viêm gan virus B và C. Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc viêm gan virus B cao. Hiện nay, ước tính 8-10% dân số, đồng nghĩa với việc có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này.

Viêm gan virus là thủ phạm dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau tức hạ sườn mới tìm đến bệnh viện khám.

Khi đó gan đã tổn thương, khối u to và làm xét nghiệm đều dương tính virus viêm gan B, virus viêm gan C. Có gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư gan do viêm gan virus B gây ra.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả phòng bệnh

Để phòng các bệnh lý về gan, các bác sỹ khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B, thay đổi lối sống tránh thừa cân béo phì, hạn chế bia rượu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.

Quan điểm của bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan siêu vi B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.

Để phòng bệnh, bạn và các thành viên trong gia đình nên tiêm vắc-xin. Có 5 loại vắc-xin gồm: 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib và viêm gan B; viêm gan B đơn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam) hoặc vắc-xin phối hợp viêm gan A - B Twinrix (Bỉ).

Mũi phòng viêm gan B hiệu quả đến 98%, loại vắc-xin được chỉ định dựa trên độ tuổi. Sau tiêm, cơ thể có thể xuất hiện phản ứng nhẹ như cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, gặp ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em; sốt nhẹ gặp ở khoảng 1 đến 6%. Những phản ứng khác rất hiếm gặp như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.

Với câu hỏi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B có cần xét nghiệm kháng thể để xem hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, bác sỹ Hải cho rằng, điều này không cần thiết.

Sở dĩ như vậy là do, theo chuyên gia, việc xét nghiệm này không có ý nghĩa chứng minh là vắc-xin có hiệu quả hay không bởi vắc-xin một khi đã tiêm là có hiệu quả bảo vệ. “Suy nghĩ nếu xét nghiệm có kháng thể thì chứng minh vắc-xin có hiệu quả và ngược lại vắc-xin không có hiệu quả là không đúng”, bác sỹ Tuấn Hải nêu.

Ngoài tiêm phòng, viêm gan siêu vi B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể

Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay, quan hệ tình dục an toàn.

Riêng với những người bị viêm gan virus B, C theo các bác sỹ cần phải theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh.

Ngoài ra, nhiều người lạm dụng rượu kết hợp với viêm gan virus khiến tình trạng gan bị phá hủy ngày càng tăng. Có nhiều trường hợp xơ gan biến chứng chảy máu thực quản do lạm dụng rượu.

Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật từ thừa cân, béo phì ngày càng tăng. Thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, lười vận động gây ra béo phì. Người béo thường đi kèm gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa gây viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Hiện, ung thư gan vẫn là bệnh ung thư đứng số 1 ở đối tượng nam giới về tỷ lệ mắc và tử vong tại Việt Nam. Với những bệnh nhân mắc ung thư gan, xơ gan chi phí điều trị tốn kém do thuốc đắt đỏ, các loại thuốc mới kéo dài cuộc sống chưa lâu. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt nhưng khi đến viện khám bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, việc sàng lọc trên đối tượng nguy cơ cao là chìa khóa giải quyết nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh lý ung thư gan, xơ gan.

Sát thủ thầm lặng viêm gan B
Việt Nam có gần 10 triệu người mắc viêm gan B, số bệnh nhân phát hiện viêm bệnh mỗi năm vẫn rất nhiều, đặc biệt là những ca bệnh tiềm ẩn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư