Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Các doanh nghiệp viễn thông nộp 46.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước
Tú Ân - 29/12/2023 10:17
 
Năm 2023, lĩnh vực viễn thông vẫn giữ vững trận địa trước đà suy giảm chung của thị trường và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Giữ vững trận địa viễn thông

Năm 2023, ngành viễn thông thế giới tiếp tục chứng kiến sự suy giảm mạnh của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Ngành viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp đã nỗ lực để ngăn chặn đà suy giảm đó.

Kết thúc năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực viễn thông ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,27% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 93% so với kế hoạch năm 2023.

Tổng doanh thu
Tổng doanh thu, nộp ngân sách, đóng góp vào GDP của lĩnh vực viễn thông. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 79,4% tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94,2% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,59%, tăng 4,09% so với năm 2022. Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân), tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 95,4% kế hoạch năm 2023.

Tốc độ băng rộng cố định tháng 10/2023 (theo Ookla) đạt 104,08 Mbit/s,tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 xếp thứ 41/181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tốc độ truy cập Internet băng rộng di động tháng 10/2023 (theo Ookla) 44,92 Mbit/s, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57/181 quốc gia,vùng lãnh thổ.

Năm 2023, số thuê bao sử dụng smartphone ước đạt 100,1 triệu, tăng 5,7% so với năm2022. Tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động ước đạt 84,4%,cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế (trung bình quốc tế: 63% theo nguồn báo cáo củaStatista). Có 42/63 (chiếm 75%) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch phát triển Hạ tầng số.

Tỷ lệ sử dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trên mạng Internet Việt Nam ước đạt 60%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam tăng 1 bậc, vượt qua Mỹ, đứng thứ 9 toàn cầu (trên một số nước lớn khác như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Nhật Bản, Úc, Canada...); thứ 2 ASEAN, thứ 3 châu Á (sau Ấn Độ, Malaysia).

Số lượng tên miền quốc gia .VN lũy kế đạt 607.000 tên miền, tăng 6,9% sovới cùng kỳ năm trước, tăng 2% so với chỉ tiêu năm 2023 đến thời điểm báo cáo.

Những dấu ấn nổi bật lĩnh vực viễn thông

Năm 2023, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông quamở rộng không gian phát triển cho lĩnh vực viễn thông, thúc đẩy phát triển hạt tầng viễn thông đáp ứng vai trò là hạ tầng của nền kinh tế.

Hạ tầng viễn thông và hạ tầng số trong năm 2023  đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. 

Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành TTTT trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ này trước đây là 97%.

Đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%. 

Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024. 

Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình triển đổi số. 

Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số.

Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên cả 05 tuyến cáp quang biển quốc tế của Việt Nam cùng gặp sự cố. Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt chỉ đạo điều phối các doanh nghiệp viễn thông xử lý dứt điểm sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam đi quốc tế. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nhanh chóng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau để bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng cố định và di động phục vụ sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế xã hội, người sử dụng dịch vụ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư