Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các dự án khởi nghiệp sáng tạo đang thiếu yếu tố gì để thành công?
Kỳ Thành - 19/05/2017 09:54
 
Ông Trịnh Minh Giang, người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Quản lý Việt cho rằng, thiếu kỹ năng quản trị và những tố chất của một doanh nhân đang khiến các dự án khởi nghiệp sáng tạo (startup) lúng túng.

Thiếu kỹ năng quản trị

Trao đổi với Báo Đầu tư Online về những khó khăn hiện nay của các dự án startup, ông Trịnh Minh Giang, người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Quản lý Việt, Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, khó khăn lớn nhất của các startup là việc tổ chức hoạt động công việc trong nhóm.

Ông Giang đánh giá, đặc thù riêng của thị trường Việt Nam là các công ty công nghệ lớn luôn thu hút người tài, dẫn tới việc tìm những người giỏi công nghệ cùng sáng lập ra một nhóm gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, người trưởng nhóm phải đủ năng lực để giữ chân mọi người, vì thời gian đầu của khởi nghiệp gần như không có thu nhập.

“Khởi nghiệp tức là mở doanh nghiệp và làm doanh nhân. Khi bắt đầu nghĩ đến một sản phẩm đồng thời bạn đã phải tính đến việc đưa nó vào thị trường hoặc ngược lại từ thị trường nghĩ ra một sản phẩm, đây là tư duy của mỗi doanh nhân”, ông Giang nói.

Ông Trịnh Minh Giang,
Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Nhóm công tác Khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF)

Các startup của Việt Nam hiện nay thường được dẫn dắt bởi các bạn trẻ là các team leader (trưởng nhóm) mà thiếu đi các tố chất của một doanh nhân. Trong khi đó, để có thể thành công, các startup không chỉ trang bị tri thức về làm sản phẩm mà còn phải có những kỹ năng quản trị.

“Các startup cần tìm người đủ năng lực kinh doanh để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp của mình”, ông Giang nói và dẫn chứng, Facebook sau giai đoạn khởi nghiệp, họ cũng cần đến nhiều nhân tài về kinh doanh để hỗ trợ phát triển, nếu không chúng ta sẽ không thấy được Facebook như ngày nay.

Ông Giang cho rằng, các startup hiện làm việc thường thuần túy trên nền tảng công nghệ, thiếu vắng những kỹ năng về truyền thông, marketing, do đó khó đưa ra một sản phẩm thành công.

Quả thật, nếu theo dõi các cuộc thi khởi nghiệp đang được tổ chức hiện nay, có thể thấy rất nhiều dự án đã trở thành “gương mặt thân quen” của các cuộc thi và thường xuyên đứng trong “top” đầu. Tuy nhiên, khâu thương mại hóa và phát triển thị trường dường như vẫn chưa được các dự án này chú trọng.

“Nếu startup không tìm hiểu thị trường sớm dẫn đến tình trạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh đã ra thị trường, điều này là rất nguy hiểm và tất cả những sức lực trước đó sẽ mất hết”, ông Giang khuyến nghị.

Kênh kết nối với nhà đầu tư và cơ quan chính sách

Mặc dù vậy, Khởi nghiệp sáng tạo gắn với những nghiên cứu mang tính đột phá trong khoa học, những sáng tạo, đổi mới về kỹ thuật, công nghệ… được kỳ vọng sẽ có đóng góp lớn vào tăng trưởng.

Do đó, tại Việt Nam đang hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả, trong đó nổi bật là vai trò của các cố vấn khởi nghiệp (mentor) với kinh nghiệm dày dặn từ môi trường quốc tế. Thêm vào đó, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần quốc tế và nội địa đã xuất hiện, giúp các dự án khởi nghiệp tiếp cận và kết nối dễ dàng và hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Giang đánh giá, ngoài những khó khăn từ bên trong các nhóm khởi nghiệp, các startup còn gặp những khó khăn do hệ thống pháp lý chưa đầy đủ, thiếu khung pháp lý về huy động vốn cho công ty khởi nghiệp sáng tạo, bởi đây là loại hình đầu tư nhiều rủi ro.

“Điều này khiến các nhà đầu tư quan ngại về những quyền lợi của họ và các công ty khởi nghiệp sáng tạo vay vốn ngân hàng theo cách thông thường là không khả thi”, ông Giang nói.

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), các doanh nghiệp, bao gồm cả các startup cần nâng cao trách nhiệm của mình trước văn bản luật điều chỉnh quyền lợi của mình, năng lực của mình nhìn nhận về văn bản đó và kiến nghị giải pháp, có sự hiểu biết về ban hành chính sách của Chính phủ để đề xuất giải pháp trong từng thời kỳ, từ đó tạo ra những cơ chế thích ứng với nguồn lực.

Ông Giám lưu ý, các startup cần tìm đến những đầu mối mang lại khách hàng. “Tại VPSF, có các hiệp hội ở các tỉnh thành của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, mạng lưới sau lưng của Diễn đàn kinh tế tư nhân. Mạng lưới liên kết này có thể lắng nghe tiếng nói, phân tích chuyên môn, phản hồi chính sách, báo cáo kết quả đối thoại chính sách với Chính phủ để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân tốt hơn”.

Ông Giám cũng cho biết thêm, khởi nghiệp sáng tạo cũng là chủ đề được VPSF ưu tiên trong thời gian tới. Tại Diễn đàn “Khởi nghiệp sáng tạo - Hiểu đúng, hành động đúng” sẽ diễn ra chiều 19/5 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân cùng các startup có tiềm năng sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phản hồi chính sách với các cơ quan chính phủ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và nhiều đơn vị tư vấn quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư