Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Các hãng bay phấp phỏng trong mùa thấp điểm
Anh Minh - 18/09/2024 12:12
 
Theo quy luật chung, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, các hãng hàng không Việt Nam bước vào mùa thấp điểm kéo dài đến gần cuối tháng 12, với sản lượng vận chuyển hành khách giảm mạnh.

Mùa thấp điểm đến sớm

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển hành khách của 6 hãng hàng không Việt Nam trong tháng 9/2024 - tháng đầu tiên trong mùa thấp điểm năm nay là khá quan ngại.

Cụ thể, trong tháng 9, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt khoảng 4,436 triệu lượt; trong đó, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt 2,89 triệu lượt, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế đạt 1,546 triệu lượt.

Cần phải nói thêm rằng, cùng kỳ năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tuy giảm tới 7% so với tháng 8/2023, nhưng vẫn đạt 5 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 1,55 triệu lượt, nội địa đạt 3,4 triệu lượt.

Mặc dù mới chỉ là số liệu ước đoán từ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, nhưng sự sụt giảm về sản lượng vận chuyển hành khách đã xuất hiện ngay từ đầu tháng 8/2024.

Tính chung đến hết tháng 8/2024, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 5 triệu lượt, giảm 3,8% so với tháng 7/2024, trong đó quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng 2,3% so với tháng 7/2024; nội địa đạt 3,4 triệu lượt, giảm 6,3% so với tháng 7/2024.

Ngay trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, dù có tới 4 ngày nghỉ liên tiếp, nhưng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt hơn 531.000 lượt (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt hơn 174.000 lượt, giảm 3,7%; vận chuyển hành khách nội địa đạt 356.500 lượt, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo quy luật chung, từ tháng 9 hàng năm, các hãng hàng không bắt đầu bước vào mùa thấp điểm với sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa đều giảm mạnh trước khi chờ giai đoạn thị trường tăng trở lại từ dịp Noel đến Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, mùa thấp điểm vận chuyển hàng không trong năm 2024 không chỉ đến sớm khi lượng khách đi lại đã chững lại ngay từ đầu tháng 8, mà có thể kéo dài đến hết tháng 12, dù giá vé máy bay trong nước đã giảm mạnh so với cao điểm hè.

“Dù giá vé có giảm, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng giá năm 2022, 2023, trong khi các chính sách kích cầu du lịch được thực hiện giữa hãng hàng không và các cơ sở lưu trú được kích hoạt khá muộn (cuối tháng 6/2024), không tạo được lực đẩy đủ lớn để tăng nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường hàng không”, đại diện một hãng hàng không cho biết.

Áp lực từ quý iV/2024

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, kết quả kinh doanh không thực sự “sáng” trong tháng 9/2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của quý III và quý IV/2024, bởi sản lượng vận chuyển hành khách trong 9 tháng đầu năm vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà các hãng đề ra cho cả năm 2024.

Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) đặt mục tiêu vận chuyển 18,073 triệu lượt hành khách nội địa và 8,98 triệu lượt hành khách quốc tế cho cả năm 2024, nhưng đến hết tháng 9/2024, Vietnam Airlines và 2 hãng hàng không trong nhóm mới vận chuyển được 12,8 triệu lượt hành khách nội địa và 5,494 triệu lượt hành khách quốc tế.

Vietjet đặt mục tiêu vận chuyển 17,452 triệu lượt hành khách nội địa và 9,85 triệu lượt hành khách quốc tế cho cả năm 2024, nhưng đến hết tháng 9 cũng chỉ vận chuyển được 11,5 triệu lượt hành khách nội địa và 7,53 triệu lượt hành khách quốc tế.

Áp lực hoàn thành mục tiêu sản lượng vận chuyển hành khách đối với 2 đơn vị đang nắm hơn 85% thị phần vận chuyển hàng không trong nước là rất lớn, bởi tháng 10 và tháng 11 hàng năm thường là giai đoạn kinh doanh ảm đạm nhất, là thời kỳ các hãng bay thực hiện nhiều hoạt động bảo dưỡng, bảo trì đội tàu bay để đón đợt cao điểm cuối năm và Tết Âm lịch.

Được biết, trong khi chờ giai đoạn thị trường tăng trở lại từ Tết Nguyên đán 2025, các hãng hàng không dự kiến tung ra nhiều chương trình vé rẻ để kích cầu. Trong khi đó, phía cơ quan cung ứng dịch vụ hàng không cũng tranh thủ xốc lại chất lượng dịch vụ vốn đang xuống cấp do luôn phải hoạt động trong tình trạng quá tải.

Mặc dù vậy, áp lực do tăng tỷ giá USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không; xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…

“Những vấn đề trên sẽ là gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành, khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung trong quý IV/2024”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Vietnam Airlines đạt lợi nhuận gộp 6.703 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024
Kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư