Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Cách thức triển khai 5G để chiến thắng
Hữu Tuấn - 22/12/2020 06:55
 
Công nghệ 5G đang mở ra cơ hội “trở mình” cho các nhà mạng, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng đầu cuối của Việt Nam.
.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép 5G vào năm 2021. Kỳ vọng của Bộ là triển khai sớm, khoảng giữa năm 2021.

Sớm thương mại hóa 5G

Hiện cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Bài toán đặt ra là triển khai 5G theo chiến lược như thế nào để nắm bắt được cơ hội, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.

“Nếu triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Còn nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp, sẽ mang lại nhiều thách thức”, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Tọa đàm: 5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam, diễn ra cuối tuần qua.

Theo ông Thắng, từ kinh nghiệm triển khai 3G, 4G, thì triển khai 5G dựa theo thời gian Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) ban hành tiêu chuẩn mạng 5G. Ngoài ra, số lượng người dùng càng nhiều thì giá thiết bị càng phù hợp. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nên triển khai 5G khi có khoảng 10% người dùng.

Ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia về giải pháp và sản phẩm vô tuyến của Huawei Việt Nam khuyến nghị, các nhà mạng nên sớm triển khai mạng lưới từ bây giờ để chuẩn bị kinh doanh 5G trong thời gian tới.

Ông Lâm đề xuất, nên tập trung triển khai ở các thành phố lớn trước. Hiện các thành phố lớn có khoảng 70 - 80% trạm lắp trên mái nhà nên không đủ không gian để treo thiết bị 5G. Đại diện Huawei đề xuất giải pháp ăng-ten có nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều băng tần, trên cột chỉ cần 1 ăng-ten, có thêm không gian để lắp thiết bị 5G. Hay lựa chọn công nghệ phù hợp có thể tiết kiệm được 20% năng lượng so với mặt bằng chung của các nhà cung cấp khác.

Cũng theo ông Lâm, Việt Nam nên sẵn sàng cung cấp dịch vụ B2B, lĩnh vực trọng yếu của 5G. Ví dụ dịch vụ y tế thông minh, giáo dục từ xa, giải trí tại nhà, khai thác mỏ, cảng biển thông minh, sân bay thông minh, giám sát công cộng, an ninh quốc gia... là những ứng dụng mạnh mẽ trên 5G.

Liên quan đến vấn đề thời điểm triển khai, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu quan điểm, việc triển khai 5G hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Có thể không triển khai ngay trên toàn quốc một lúc, mà sẽ triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là những nơi có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ số người sử dụng lớn, hoặc tại các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, hoàn toàn máy móc vận hành.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép 5G vào năm 2021. Kỳ vọng của Bộ là triển khai sớm, khoảng giữa năm 2021”, ông Nhã cho biết.

Cơ hội dành cho tất cả nhà mạng

Theo Cục Viễn thông, Việt Nam sẽ không chỉ có 5 mạng di động cung cấp 5G, mà tất cả doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, thấy đủ khả năng về kinh tế, kỹ thuật, tài chính, đều có thể đăng ký tham gia đấu giá băng tần.

“Số lượng nhà cung cấp 5G trong tương lai phụ thuộc vào số doanh nghiệp mong muốn tham gia thị trường và số lượng băng tần sẽ cung cấp cho mạng 5G”, ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.

Rõ ràng, với các nhà mạng, đây là cơ hội tuyệt vời để bứt phá. Nếu như với Viettel, VNPT là cơ hội để nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu thiết bị bên cạnh việc giữ vững thị phần, thì với MobiFone là cơ hội lớn để vươn lên cạnh tranh cùng các nhà mạng khác.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone tự tin, MobiFone có lợi thế khi triển khai công nghệ 5G và muốn đi đầu về công nghệ này.

Việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Các điều kiện về chính sách, mức độ sẵn sàng đầu tư, thiết bị đầu cuối đang sẵn sàng, hứa hẹn sự bùng nổ công nghệ 5G trong tương lai gần.

“Chúng tôi sẽ triển khai 5G ở những nơi có lưu lượng và nhu cầu cao như các thành phố lớn, sau đó lan dần ra các khu vực khác. Tôi cho rằng, khi mình cung cấp dịch vụ 5G sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng công nghệ này với các ứng dụng như truyền hình độ nét cao, hay xe tự lái”, ông Cường nói.

Còn ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm R&D MobiFone chia sẻ, MobiFone đã có lộ trình để đầu tư. Theo kế hoạch, 5G MobiFone sẽ phát triển tập trung ở những khu vực đông dân cư, thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp, sau đó đến các vùng ngoại vi.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ VNPT, nhà mạng này đã triển khai 5G từ rất sớm để có thể làm chủ công nghệ từ vô tuyến, lõi đến máy đầu cuối, cũng như an ninh, an toàn mạng. Khi thích hợp sẽ triển khai thương mại chính thức cho khách hàng.

“Chúng tôi sẽ miễn cước 5G trong quá trình thử nghiệm, sau đó giá cước cơ bản sẽ như 4G”, đại diện VNPT tiết lộ.

Trong 3 nhà mạng, Viettel vừa là nhà cung cấp dịch vụ mạng, vừa phát triển thiết bị, tuy nhiên, đơn vị này cho biết sẽ không trực tiếp sản xuất thiết bị đầu cuối. Việc sản xuất điện thoại 5G, theo Viettel, là thế mạnh của các nhà sản xuất như Bkav, VinSmart.

“Viettel sẽ tập trung vào mạng lõi và trạm phát sóng, để tạo nên hệ sinh thái sản phẩm Make in Vietnam đầy đủ”, ông Lê Bá Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel nói và cho biết, hiện tại, Viettel đang hợp tác với VinGroup để phát triển hệ thống 5G. Trong đó, VinSmart chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị vô tuyến, còn Viettel nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu, hệ thống mạng lõi 5G.

Nhà mạng khởi tranh cuộc đua 5G
Đồng loạt triển khai kinh doanh thử nghiệm 5G, Viettel, Vinaphone, MobiFone đang dốc sức khởi tranh cuộc đua công nghệ mới, cung cấp cho doanh nghiệp,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư