Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cải cách bộ máy nhà nước và tinh giản biên chế: Giải quyết vấn đề liên quan 3 triệu con người theo hướng nào?
Baodautu.vn - 16/11/2017 08:39
 
Bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức đang trở thành vấn đề thời sự quan trọng, được nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và mong đợi một cuộc cải cách thực sự, làm thay đổi cơ bản trạng thái cồng kềnh, kém hiệu năng của bộ máy, tình trạng vừa thừa công chức không đủ phẩm chất và năng lực, vừa thiếu người tài ở mọi cấp bậc trong bộ máy đó. Xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết của GS - TSKH. Nguyễn Mại về vấn đề này.

-I-

Cách đây 22 năm, năm 1995, nước ta đã tiến hành cuộc cải cách đồng bộ về “bộ máy và con người” theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Bộ máy Đảng đã giải thể một số ban như Ban Kinh tế, Ban Nội chính, Ban Dân vận. Bộ máy Chính phủ đã nhập một số bộ như Ủy ban Kế hoạch nhà nước với Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thương mại với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy sản thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giải thế Ủy ban Vật giá, chuyển thành Cục Vật giá trực thuộc Bộ Tài chính...

Quy định số đơn vị hành chính của từng cơ quan, mỗi bộ không quá 4 thứ trưởng, mỗi vụ, cục chỉ có 2-3 cấp phó; UBND TP. Hà Nội và TP.HCM không quá 4 phó chủ tịch, các tỉnh không quá 3 phó chủ tịch.

Mặc dù có chủ trương tinh giản biên chế nhưng bộ máy ngày càng phình ra. Ảnh: Đức Thanh
Mặc dù có chủ trương tinh giản biên chế nhưng bộ máy ngày càng phình ra. Ảnh: Đức Thanh

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nên chỉ trong vòng 6 tháng đã hoàn thành việc sắp xếp bộ máy nhà nước, đồng thời ban hành các quy định về thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu cơ chế “xin cho”, giảm phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Những thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991- 2000 không thể tách rời việc cải cách bộ máy nhà nước trong thời kỳ đó.

Song từ đầu thiên niên kỷ mới đến nay, bộ máy hành chính lại phình ra, nhưng kém hiệu năng; đội ngũ công chức thì tăng nhanh, nhưng số đông không bảo đảm tiêu chuẩn. Chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước để trả lương và duy trì hoạt động của tất cả các bộ máy đó gia tăng nhanh đến mức chiếm phần lớn chi ngân sách, nên tỷ lệ đầu tư công giảm dần, không đáp ứng được đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 270.000 công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước từ Trung ương đến huyện, 234.000 cán bộ cấp xã, phường (chưa kể khoảng 1 triệu người bán chuyên trách); 2,5 triệu biên chế cơ quan sự nghiệp công. Số sĩ quan quân đội và công an cũng rất đông.

Người đông, thu nhập hàng tháng của công chức, viên chức nếu chỉ dựa vào tiền lương thì không đủ chi tiêu của gia đình để bảo đảm mức sống tối thiểu và  nuôi con.

Bộ máy cồng kềnh, công chức quá đông, tiền lương quá thấp là vòng luẩn quẩn diễn ra hàng chục năm qua, mặc dù không ít lần đã được Đảng và Nhà nước coi là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

-II-

Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã kiến nghị nhập một số tỉnh và huyện nhỏ, đến bớt 10 đơn vị cấp tỉnh và hàng trăm đơn vị cấp huyện, nhập một số bộ, giảm bớt tổng cục, cục, vụ,  sở, không hình thành thêm cơ quan mới, giảm biên chế 10%... Đó là cách tiếp cận theo hướng cắt giảm từng bộ phận trong bộ máy nhà nước gắn với giảm một phần biên chế để giải quyết một phần thực trạng.

Người đông, thu nhập hàng tháng của công chức, viên chức nếu chỉ dựa vào tiền lương thì không đủ chi tiêu của gia đình để bảo đảm mức sống tối thiểu và nuôi con.

Có lẽ, để giải quyết một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng lại khá phức tạp như bộ máy và công chức, đụng  chạm đến quyền và lợi ích của 3 triệu con người thì cần tiếp cận theo quan điểm hệ thống, xuất phát từ chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong điều kiện nước ta đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), đang vươn tới những mục tiêu cao hơn, hội nhập sâu rộng với khu vực  và với thế giới để xác định vai trò, chức năng của Nhà nước. Từ đó, thiết kế bộ máy tương ứng và tuyển chọn công chức, viên chức có đủ phẩm chất và năng lực đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy đó, với chế độ tiền lương và phụ cấp vừa tạo ra thu nhập để bảo đảm đời sống của công chức, viên chức, vừa có tác động khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong quản lý nhà nước.

Thị trường và Nhà nước có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại với nhau và chế ước lẫn nhau.

Thị trường với cơ chế tự điều chỉnh thông qua biến động cung - cầu và giá cả hàng hóa, dịch vụ, cơ chế cạnh tranh để phân bố có hiệu quả nguồn lực xã hội. Thị trường luôn không hoàn hảo, phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội như cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ nâng giá để có lợi nhuận cao hơn, bất bình đẳng xã hội về thu nhập và trình độ phát triển.

Nhà nước với cơ chế điều chỉnh thông qua thể chế, chính sách, cơ chế vận hành và bộ máy công chức để khắc phục khiếm khuyết của thị trường, vừa khuyến khích tự do cạnh tranh, vừa bảo đảm không tạo ra cách biệt quá lớn về thu nhập và trình độ phát triển; xử lý hoạt động phi pháp như đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế...

Nhà nước trong điều kiện hội nhập quốc tế cũng cần thay đổi để phù hợp với các cam kết trong khung khổ hợp tác khu vực như hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia các định chế toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Một số chức năng vốn có của Nhà nước dân tộc bị chi phối bởi các cam kết quốc tế. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN với các thể chế khu vực như tự do chu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có kỹ năng; việc tham gia các FTA thế hệ mới với các quy định cao hơn về sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thành lập công đoàn đòi hỏi thể chế, chính sách và bộ máy nhà nước dân tộc phải điều chỉnh để đáp ứng các đòi hỏi mới.

Nhà nước phải thường xuyên hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế vận hành, bộ máy và con người để thích ứng với trình độ phát triển ngày càng cao của thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.

Thiết kế bộ máy nhà nước và tuyển chọn công chức, viên chức cần phải căn cứ trên cơ sở đó mới có được một phương án khả thi. Việc xử lý từng vấn đề của bộ máy và biên chế chỉ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội khi đặt trong tổng thể thiết kế đó.

(Còn tiếp)

Đề xuất thí điểm hợp nhất nhiều cơ quan để giảm biên chế, lãnh đạo
Chính phủ đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (đoàn ĐBQH, HĐND và UBND) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư