Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Cải thiện hạ tầng, phát triển logistics để tiến xa
Kỳ Thành - 19/01/2020 10:43
 
Phát triển hạ tầng kết nối và logistics đóng vai trò quan trọng nhằm giảm chi phí thương mại, đảm bảo “mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam”.
Làm hàng tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh
Làm hàng tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Hai động lực giúp Việt Nam tiến nhanh

“Mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”. Nhận định này của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam một lần nữa được nhắc lại tại Lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 của WB diễn ra giữa tuần này.

Theo nhận định của WB, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính là 7% trong năm 2019, cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu. Có được thành tựu ấn tượng này là nhờ hai yếu tố chính gồm tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình và doanh nghiệp, cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 15/1 cũng làm rõ thêm về nhận định trên.

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR, kết thúc năm 2019, cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,9 tỷ USD, gấp gần 2 lần mức thặng dư 5,6 tỷ USD của năm 2018. “Điều này góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời giữ tỷ giá USD/VND tương đối ổn định trong suốt cả năm”, ông Thế Anh phân tích.

Về phía cầu, VEPR cũng nhận định, tính cả năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%. Bên cạnh đó, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước thấp (2,6%), trong khi khu vực tư nhân tăng trưởng 17,3%, chiếm tỷ lệ 46%. “Khu vực tư nhân thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội”, báo cáo của VEPR đánh giá.

Để “mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam”

Mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục nhận được các dự báo tích cực trong năm 2020, song ông Ousmane Dione lưu ý, “người ta thường nói rằng, bạn nên sửa nhà khi trời tốt”.

“Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng, bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn”, Giám đốc Quốc gia của WB nói.

Theo phân tích của WB, kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước đang phát triển không đồng đều, tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ. Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới.

Hệ thống giao thông nội địa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container, cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả, còn tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.

Để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để “đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam”, cho dù mây đen bao phủ kinh tế toàn cầu, Báo cáo của WB đề xuất các hành động cụ thể cho Việt Nam với 9 khuyến nghị. Đó là, cần thay đổi quan điểm về giao thông và không gian để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng; sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế; tạo ra các vùng kinh tế trọng điểm dọc theo hành lang mới; nâng cấp kết nối mềm để phục vụ thị trường trong nước; rà soát kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics tại các thành phố; kết nối giữa vùng mật độ thấp với thị trường; bổ sung kết nối với các hỗ trợ kinh tế và xã hội; đầu tư vào khả năng phục hồi thông minh dựa trên mức độ quan trọng và rủi ro; thúc đẩy vận tải đa phương thức như một chiến lược bền vững.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, các ý kiến hiện mới tập trung vào kết nối theo chiều Bắc - Nam. Theo trục này, Việt Nam đã có đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường bộ ven biển và đường kết nối ven biển. Trong tương lai, Việt Nam xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Chi phí logistics cao kéo lùi năng lực cạnh tranh quốc gia
Trên 3.550 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, khoảng 6.780 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu đã bị bãi bỏ, nhưng theo ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư