Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Góp ý dự án Luật thống kê (sửa đổi):
Cấm ép buộc người khác làm sai lệch thông tin
Hà Quang - 23/06/2015 09:28
 
Góp ý với dự án Luật thống kê (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc sửa đổi Luật theo hướng phản ánh một cách trung thực, chính xác, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

.
Góp ý với dự án Luật thống kê (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc sửa đổi Luật theo hướng phản ánh một cách trung thực, chính xác, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 22/6, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) bày tỏ ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về dự thảo Luật thống kê (sửa đổi). Ý kiến của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại buổi thảo luận ở tổ (ngày 4/6/2015) về dự án Luật thống kê (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “cấm ép buộc người khác làm sai lệch thông tin”; khai man, ép buộc, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ, khuyến khích người khác khai man, cố ý làm sai thông tin thống kê (Điều 10, Chương II)

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, chỉ tiêu thống kê phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể cung cấp thống kê, tổng hợp, xử lý thông tin và sử dụng phổ biến thông tin. Vì vậy dự thảo Luật quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê tại Điều 5 như vậy phù hợp, bao hàm ba chủ thể tác động đến chất lượng của chỉ tiêu thống kê. Tuy nhiên, quy định về quy tắc hoạt động thống kê tại Khoản 1, Điều 5 nhưng phải trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời v.v...

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì các chỉ tiêu thống kê có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phản ánh một cách trung thực, chính xác, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và môi trường sinh thái. Đặc biệt làm cơ sở cho công tác phân tích và dự báo. Đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, khắc phục thực trạng số liệu thống kê của Việt Nam chênh lệch khá xa so với số liệu thống kê của các nước trên thế giới. Do đó, dự thảo luật sửa đổi cần làm rõ hơn nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động thống kê. Đáp ứng yêu cầu của hoạt động thống kê, do đó đề nghị bổ sung nguyên tắc nghiên cứu ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến và xây dựng chuẩn hóa các quy trình thống kê theo chuẩn mực quốc tế vào tại Điều 5”, đại biểu Tuyết nói.

Đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) cho rằng, kết quả của thống kê là có con số có ý nghĩa để chúng ta hoạch định chính sách vĩ mô để từ đó đưa đất nước ta phát triển một cách bền vững. Chính vì vậy, các con số thống kê phải chính xác, phải trung thực để phản ánh đúng được thực trạng khách quan của địa phương, của đất nước nhất là những chỉ tiêu quan trọng như GDP, ICO, tỷ lệ có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo v.v...

“Tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến đại biểu Ánh Tuyết vừa phát biểu. Tức là làm sao số liệu của chúng ta có thể so sánh được với số liệu của quốc tế. Để đi vào cụ thể, tôi đề nghị bổ sung Điều 5, Khoản d, thêm cụm từ "phương pháp tính". Cụ thể Điều 5 được viết lại như sau: "Minh bạch công khai phương pháp tính". Thưa Quốc hội, điều này vô cùng quan trọng”, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (tỉnh Thái Bình) góp ý: Trong 10 năm qua, hoạt động thống kê nhà nước đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Theo xếp hạng, chỉ số năng lực thống kê quốc gia do ngân hàng thế giới xếp thì Việt Nam luôn cao hơn trung bình của thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường với nhiều loại hình kinh tế và hội nhập quốc tế, kinh tế thế giới thì Luật thống kê năm 2003 đã bộc lộ những điểm quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Nhất là thời gian gần đây, một số số liệu thống kê đưa ra thiếu chính xác, điều chỉnh tùy tiện, nhiều chỉ tiêu thống kê cần tìm hiểu thì không có hoặc lúc có lúc không, thiếu nhất quán, không biết hỏi ai, khó tìm được người có đủ thẩm quyền có trách nhiệm giải thích thỏa đáng. Do vậy, sửa đổi luật là cấp thiết.

Về hệ thống tổ chức thống kê, theo đại biểu Hoàn, quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu để quy định rõ hơn về thống kê cấp xã cho thống nhất bởi hiện nay mỗi địa phương bố trí cán bộ làm công tác thống kê cấp xã khác nhau.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, những bất cập của công tác thống kê Việt Nam đã được nói đến rất nhiều cả trong vào ngoài nghị trường. Bởi vậy, dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) cần đưa ra những quy định mang tính đột phá. Với dự án Luật thống kê (sửa đổi), có một số vấn đề chung đã thể hiện được sự ưu việt của dự thảo so với Luật thống kê hiện hành, như vấn đề áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê.

Theo đó, dự thảo đã có Chương V quy định rõ về việc ưu tiên áp dụng thông tin truyền thông và phương pháp thống kê tiên tiến vào hoạt động thống kê. Ngoài ra, quy định về hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thống kê, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật thống kê cả hoạt động thống kê trong và ngoài nhà nước cũng cho thấy sự đổi mới của dự thảo. Tuy nhiên, có một số nội dung cần xem xét lại để bảo đảm sự hợp lý và hoàn thiện hơn của dự thảo.

Về phối hợp giữa cơ quan thống kê Trung ương với các bộ ngành thực hiện quản lý nhà nước về thống kê trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng: Dự thảo Luật đã làm rõ sự phối hợp về mặt nghiệp vụ và trách nhiệm giữa cơ quan thống kê Trung ương và các bộ, ngành. Theo đó, hoạt động thống kê của Bộ, ngành phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê cần có sự thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương và bộ ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định, giải trình với cơ quan thống kê Trung ương bằng văn bản về việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến thẩm định. Tuy nhiên, không rõ nếu hai bên không thống nhất trong kết quả thực hiện thì cơ quan thống kê trung ương hay cơ quan các bộ ngành chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả đó (?) – đại biểu Đồng đặt câu hỏi.

Ngoài ra, với việc quy định trong trường hợp Bộ ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ sẽ nảy sinh trường hợp các bộ ngành do không có cơ chế trách nhiệm, số liệu thống kê khi gửi các cơ quan thống kê Trung ương dù có sai lệch thì cơ quan thống kê Trung ương chịu trách nhiệm cuối cùng và tự quyết định nên có thể xảy ra sự cố trường hợp lỏng lẻo hoặc phiến diện, chiếu lệ và không chính xác trong các số liệu thống kê gửi cho cơ quan thống kê Trung ương. Dó đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các Bộ ngành nếu như số liệu thống kê gửi cho cơ quan thống kê Trung ương có sự sai lệch, không chính xác ở bất kỳ khâu nào.

Những điểm mới trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)
Điều chỉnh các hoạt động thống kê ngoài nhà nước; làm rõ các hệ thống thông tin thống kê; quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư