Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cần bao phủ “vắc-xin ý thức” chống dịch
Dương Ngân - 11/02/2022 15:30
 
Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân trở thành F0 mà không biết mình lây nhiễm từ đâu. Vậy nên, hơn bao giờ hết, ý thức phòng dịch của mỗi người cần được nâng cao.
Hình minh họa
Chủ động phòng tránh dịch của chính bản thân mỗi người dân, bắt đầu từ biện pháp 5K

Từ bàng hoàng tới hối hận

Trở lại Hà Nội sau những ngày về quê ăn Tết, để an tâm đi làm, vợ chồng chị Đào T.T (Dương Nội, Hà Đông) test nhanh Covid-19 và bàng hoàng phát hiện cả hai người đều là F0. Chung cảnh ngộ, chị N.T.A (Cầu Giấy, Hà Nội) có kết quả dương tính khi làm thủ tục test nhanh Covid-19 trước khi bay tới Côn Đảo theo yêu cầu của chính quyền sở tại.

Nhiều người khác cũng trở thành F0 sau khi trở lại Hà Nội làm việc. Dù đã xác định tinh thần sống chung với dịch, song khi nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhiều người đã không khỏi bàng hoàng và cảm thấy hối tiếc vì trước đó đã không thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong thực hiện 5K.

Chị T.T chia sẻ, do tâm lý chủ quan, nên dịp Tết về quê, chị đi chơi, đi chúc Tết nhiều nơi mà không đeo khẩu trang. Chưa kể, khi các gia đình ở quê mời ăn uống, chị cũng vui vẻ nhận lời mà không lo lắng, vô tư tiếp xúc, trò chuyện không giữ khoảng cách, chiếc khẩu trang cũng bị bỏ quên trong túi áo. “Đến khi test nhanh thấy dương tính, tôi rất lo lắng, hụt hẫng và hối hận vì đã quá ham vui”, chị T. nói.

Còn với chị N.T.A, trước đó, chị nghĩ rằng, những người đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 thì khi bị mắc bệnh chỉ như cảm cúm, có thể điều trị ở nhà. “Sau khi mắc Covid-19, tôi mới biết thế nào là đếm cừu trong đêm. Tôi không thể ngủ được suốt nhiều ngày, chưa kể, chỉ cần ngồi dậy là chóng mặt, đi đứng loạng choạng, cơ thể gần như kiệt sức”, chị N.T.A kể.

Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiều người dân có tâm lý chủ quan sau khi bản thân đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và cộng đồng đã được bao phủ vắc-xin. “Có thể với người trẻ, khỏe, không có bệnh nền, thì việc mắc Covid-19 sẽ không có gì đáng ngại. Song ở mỗi gia đình, vẫn có thể có những người vì lý do khách quan chưa thể tiêm vắc-xin, hay có ông, bà, cha, mẹ tuổi đã cao, bị bệnh nền, sức đề kháng yếu và cả những trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc-xin, đều có nguy cơ  nhiễm Covid-19 rất cao”, ông Nga nói.

“Vắc-xin ý thức” có vai trò rất quan trọng

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, bên cạnh các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng, ý thức, hành động từ phía người dân là rất cần thiết và vẫn là yếu tố quyết định.

Sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sẽ khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế và chính quyền cơ sở, gây ra tình trạng quá tải, nhiều ca bệnh nặng sẽ không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội nhấn mạnh, sẽ không có giải pháp hay liều thuốc nào hiệu quả bằng sự chủ động phòng tránh dịch của chính bản thân mỗi người dân, bắt đầu từ biện pháp 5K. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết, thì rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.

“Việc tuân thủ các khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus SARS-CoV-2, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng”, ông Tuấn nói.

Sửa đổi, bổ sung quy định về phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 quy định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư