Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Cần có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về tiền kỹ thuật số, tài sản ảo
Kỳ Thành - 11/01/2022 17:49
 
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khung khổ pháp lý, trong đó bao gồm cả cách tiếp cận mới với tiền kỹ thuật số, tài sản ảo.

Chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết

“Chuyển đổi số đang là đòi hỏi bức bách đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn chia sẻ nhận định này tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Nova Group tổ chức sáng nay, 11/1.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số trên cơ sở phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo chương trình này, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, thực tế ở nước ta những năm gần đây cho thấy, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong chuyển đổi số, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi số và không ít doanh nghiệp đã đạt được những thành công đáng khích lệ.

Những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công đã kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối, bán hàng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; tiết kiệm chi phí vận hành… qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chuyển đổi số đang là đòi hỏi bức bách đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Làm rõ hơn khái niệm này, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyển đổi số giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng…

Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định; giúp tối ưu chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận; hỗ trợ đưa ra các phân tích chính xác và kịp thời nhằm rút ngắn thời gian ra quyết định kinh doanh.

Thời gian qua, chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã được đẩy mạnh nhằm nắm bắt tối đa các cơ hội trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tăng cường các giải pháp và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn khi chuyển đổi số như: Chi phí đầu tư cao; Hạ tầng CNTT hiện tại kém phát triển; Giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; Nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; Tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuân hóa; Thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp những thách thức như: Khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; Khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; Khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số; Môi trường kinh tế số tại Việt nam còn khiêm tốn; Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ tiêu khác (thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số) tại Việt nam còn thấp...

Chủ động chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều lợi thế

Nhận định rằng quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, cần có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về tiền kỹ thuật số, cũng như xây dựng tầm nhìn, chiến lược và thực thi trong thời gian tới.

Đưa ra một số khuyến nghị để thành hình và phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh, ông Lực cho rằng, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử. Xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số (Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, Proptech, Insurtech, Edutech, Healthtech; tài sản số; e-KYC); Quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu; Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia (dữ liệu dân cư và doanh nghiệp); Quy định về dịch vụ đám mây (cloud services); dùng blockchain, AI trong các lĩnh vực chủ chốt...; Quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số).

Đồng thời, cần tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số; đầu tư AI, R&D; an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số; Đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu về tiền KTS của NHTW. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính số (chương trình “giáo dục tài chính quốc gia”)...

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về tiền kỹ thuật số. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Chia sẻ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Bùi Thu Thủy cho biết, ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Chương trình có mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Trong đó, 100% doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp)…

Để làm được điều này, chương trình đã triển khai các nhóm hoạt động bao gồm: Xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số; Hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số; Xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Triển khai hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp là thành công điển hình. Bên cạnh đó, trong năm 2022, chương trình sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Về khung khổ pháp lý, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan này đang tích cực trong dự thảo Luật, trong đó đặt nhiều vấn đề trong Luật sửa đổi quy định về giao dịch số, dữ liệu số, giao dịch dữ liệu.

“Đây là vấn đề mới, cần cập nhật nhiều vấn đề so với trước đây với giá trị pháp lý của các hợp đồng hay hợp đồng thông minh. Chúng ta nói nhiều về tài sản ảo, tiền ảo nhưng nếu không có luật quy định về những khái niệm cơ bản thì rất khó để triển khai những vấn đề trên”, ông Đường phân tích.

Ông Đường cho hay, Bộ TT&TT đang xây dựng Luật giao dịch điện tử nhằm đưa tất cả các giao dịch truyền thống lên điện tử. Luật công nghiệp, công nghệ số dự kiến trình Quốc hội năm 2025.

Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư