Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cần lưu ý gì khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ?
D.Ngân - 27/10/2021 17:49
 
Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc-xin đang là nội dung quan trọng nhất và cũng là trăn trở của các bậc phụ huynh hiện nay.

Ngày 27/10, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng 1.500 học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi. 

Trên phạm vi cả nước, theo Bộ Y tế từ tháng 11/2021, nước ta sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên toàn quốc. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện trước với trẻ từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.

Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc-xin đang là nội dung quan trọng nhất và cũng là trăn trở của các bậc phụ huynh hiện nay.

Về việc tiêm vắc-xin cho trẻ hầu hết ý kiến đều ủng hộ và cho rằng theo dữ liệu hiện nay trên toàn thế giới số lượng trẻ em mắc Covid-19 không hề nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ trẻ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi.

Vậy nên chúng ta cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan…vắc-xin sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao.

TS.Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ bị viêm cơ tim hoặc các biến chứng do nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên nặng hơn, phổ biến hơn vô cùng nhiều so với tỷ lệ viêm cơ tim liên quan đến mũi tiêm vắc-xin. 

Ở trẻ tiêm vắc-xin, tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ mới có 1 trẻ bị viêm cơ tim. 

Nếu trẻ không may bị phản ứng bất lợi liên quan viêm cơ tim do vắc-xin thì trẻ em lại đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị hiện hành. Vì thế, khi viêm cơ tim do vắc-xin, trẻ vẫn có thể điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng. 

Từ lý do ấy, TS.Phạm Quang Thái nêu quan điểm, cũng giống như triển khai tiêm cho người lớn, giai đoạn đầu tiên cần thực hiện một cách cẩn trọng, tiêm ở điểm tiêm có sự giám sát tốt, tiêm giảm dần độ tuổi.

Sau khi triển khai quy mô nhỏ, việc tiêm cho trẻ nhỏ sẽ triển khai ở quy mô lớn. Khi đã hoàn chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến hướng dẫn chuẩn bị tổ chức và các tuyến thí điểm ban đầu làm trơn tru, chúng ta sẽ triển khai ở tất cả các điểm tiêm: trạm y tế, trường học, thậm chí tiêm ngoài trạm.

Khi tiêm vắc-xin cho trẻ TS.Thái đặc biệt lưu ý việc theo dõi sau tiêm, phát hiện sớm các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. 

Nếu phát hiện sớm phản ứng có hại sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt. Nếu chủ quan, khi có tai biến phát sinh, hậu quả không thể lường trước. 

Còn theo ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tại mỗi điểm tiêm cần tập trung theo dõi sau tiêm và đánh giá sau tiêm với trẻ. 

Khi trẻ về nhà, thì gia đình theo dõi những dấu hiệu sức khỏe của trẻ theo tờ hướng dẫn được phát sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi cần.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua các địa phương đã thành lập những đội y tế cơ sở và những đội cấp cứu lưu động để có thể đáp ứng được trong những tình huống xảy ra những phản ứng bất lợi.

Một số ý kiến khác thì cho hay, ngoài chuẩn bị tiêm vắc-xin an toàn cho trẻ, tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, Bộ Y tế cần chủ động kế hoạch phân bổ vắc-xin cho các địa phương trên cơ sở phân tích nhu cầu, điều kiện. 

Cụ thể, thay vì chờ đợi vắc-xin hay việc quy trách nhiệm các bên, để tránh rơi vào bị động, bộ ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, cùng chia sẻ để trung ương và địa phương cùng phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, có phương án kỹ lưỡng nhất, sẵn sàng cho việc tiêm khi vắc-xin về nhiều.

Đặc biệt, cần lưu ý vấn đề tuyên truyền để có được sự ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh đối với việc tiêm vắc-xin cho trẻ. Tức là cần tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo cha mẹ về vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ em để họ yên tâm quyết định việc tiêm vắc-xin cho con. 

Đây là trách nhiệm chung của cơ quan chuyên môn, các địa phương, các nhà trường, nhằm góp phần thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ em Việt Nam trong thời gian tới.

Được biết, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vắc-xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất. Theo người đứng đầu ngành Y, đây là vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. 

Việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. “Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Về trình tự tiêm chủng theo Bộ trưởng Y tế, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư