Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Cần nâng cao năng lực y tế địa phương để kiểm soát bệnh truyền nhiễm
Hoài Sương - 27/10/2023 17:44
 
Các bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành y tế tại các địa phương cần tiếp tục nâng cao năng lực, đầu tư thiết bị… để giảm thiểu nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh đang lưu hành và thống nhất các giải pháp phối hợp thực hiện trong công tác điều trị để kiểm soát dịch bệnh tại khu vực phía Nam.

Theo đó, với bệnh sốt xuất huyết, tổng số ca mắc, ca nặng và ca tử vong trong 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và trung bình 5 năm. Tuy nhiên số ca bệnh tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ từ tuần 24 (tháng 6) đến nay, trong bối cảnh những đợt nắng nóng xen kẻ đợt mưa nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, phân bố đa số vẫn ở tuýp vi rút D2.

Các bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam.

Với bệnh tay chân miệng, sau khi số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất tại tuần 30-31 (cuối tháng 7, đầu tháng 8), tình hình bệnh giảm dần cho đến tuần 36 (đầu tháng 9) bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay.

Cụ thể, tính đến tuần 40 (đầu tháng 10), số ca mắc đã vượt đỉnh thứ nhất của năm 2023 và vẫn đang gia tăng tiếp tục. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ mắc mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân, số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Thế nhưng, về các trường hợp bệnh nặng và tử vong thì tại các tỉnh miền Tây lại chiếm tỉ lệ phần lớn (với 81%), bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%), đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong trong khu vực phía Nam. Tác nhân chủ yếu gây bệnh tay chân miệng năm nay là vi rút EV71.

Cần nâng cao năng lực y tế địa phương

Sở Y tế TP.HCM cho biết, công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm trong 9 tháng đầu năm 2023 của khu vực phía Nam cơ bản được đảm bảo, các địa phương có sự đầu tư đúng mức cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở một số tỉnh chưa có đủ các thuốc thiết yếu như: Gamma globulin, phenobarbital, milrinone… Ngoài ra, một số bệnh viện tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho các bệnh nhi chuyển nặng, buộc phải chuyển viện trong tình trạng chuyển không an toàn, bệnh nhân không được điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng và đã có ca tử vong.

Cần nâng cao năng lực y tế địa phương để giảm nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong. 

Theo Sở Y tế, việc chuyển bệnh hàng loạt lên TP.HCM cũng gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố. Trong đó, 70% tổng số bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM là từ các tỉnh chuyển đến.

Do đó, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác thu dung, điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh nhiễm khác, lãnh đạo Sở Y tế và CDC của các tỉnh, thành phố phía Nam thống nhất để các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh tiếp tục phát huy năng lực điều trị, khẩn trương mua sắm đầy đủ thuốc và vật tư trang thiết bị y tế để điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, khi có các trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch quá khả năng điều trị và cần thiết phải chuyển viện đến các bệnh viện của TP.HCM, các bệnh viện tỉnh cần hội chẩn trước khi chuyển và bố trí đầy đủ về phương tiện, trang thiết bị y tế, theo dõi sát tình trạng người bệnh… nhằm đảm bảo người bệnh được chuyển viện an toàn và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong trong quá trình chuyển viện.

Đặc biệt, các tỉnh thành cần tăng cường giám sát những ca viêm phổi nặng do vi rút, thu thập mẫu và gửi Viện Pasteur để kịp thời phát hiện các trường hợp viêm phổi do cúm gia cầm và điều trị kịp thời.

Tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ đàm phán giá thuốc
Theo đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư