Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cần nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế
Mạnh Bôn - 24/05/2013 07:26
 
TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc cho rằng, nếu Quốc hội mạnh dạn ban hành nghị quyết về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thậm chí ban hành từng nghị quyết riêng đối với từng lĩnh vực cần ưu tiên trong tái cơ cấu, thì đã có cơ chế giám sát tiến trình tái cơ cấu chặt chẽ hơn.
TIN LIÊN QUAN

TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thưa ông, liệu có quá sớm để lo ngại về thành công của việc triển khai Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế?

Tôi nghĩ cũng không sớm, vì tiến độ thực hiện đề án này khá chậm.

Làm sao mà không lo được, khi mà tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng 2011-2015, nhưng đến tháng 3/2013, mới thành lập được Ban Chỉ đạo tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Phải mất một năm mới thành lập được Ban chỉ đạo, còn đến bây giờ, Ban Chỉ đạo này hoạt động ra sao; đã đưa ra được quyết sách, sáng kiến gì, đã thực hiện được những nội dung gì của Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thì vẫn chưa rõ.

Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2015, phải hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và phải xây dựng được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô tầm cỡ khu vực. Song với tốc độ tái cơ cấu như hiện nay, rất khó hoàn thành được mục tiêu.

Hiện nay, mỗi đề án thành phần do một bộ, ngành chủ trì, ông đánh giá thế nào về cách làm này?

Tái cơ cấu nền kinh tế thực chất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nhằm đưa nền kinh tế phát triển vững chắc, an toàn, tăng được năng suất, hiệu quả, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Muốn thực hiện được những mục tiêu này, phải triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp đặt ra trong Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Chỉ có điều, Đề án này khó triển khai, vì phụ thuộc vào việc thực hiện các đề án thành phần.

Trong khi đó, mỗi đề án thành phần lại do một bộ, ngành nào đó được giao chủ trì, nhưng do chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm tổng hợp, điều phối chung và theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện, nên mỗi đề án thành phần mạnh ai nấy làm, thiếu tính kết nối, thiếu tính đồng bộ.

Dường như mỗi ngành triển khai đề án theo mỗi hướng khác nhau, không bảo đảm mục tiêu tổng thể là nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế nói chung.

Tại các địa phương thì sao?

Qua tiếp xúc cử tri và đi công tác tại nhiều địa phương, tôi nhận thấy, tiến trình triển khai tái cơ cấu ở địa phương và tại các tập đoàn, tổng công ty còn ì ạch hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng phản ánh như vậy. Lãnh đạo các địa phương có tâm lý tái cơ cấu nền kinh tế là việc của Chính phủ và của các bộ, ngành Trung ương, nên họ chờ Trung ương chỉ đạo.

Thưa ông, liệu có khách quan không khi cho rằng, mỗi bộ, ngành, mạnh ai người nấy tái cơ cấu?

Chúng ta tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chứ không riêng gì DN nhà nước, đầu tư công và tổ chức tín dụng. Đúng là 3 lĩnh vực này được ưu tiên, chú trọng, nhưng các lĩnh vực khác cũng phải cùng tái cơ cấu, thì nền kinh tế mới tăng trưởng ổn định.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng vừa đưa ra gói tín dụng trị giá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, thực ra cũng là nhằm cơ cấu lại thị trường bất động sản trên cơ sở hỗ trợ người dân mua nhà thông qua việc cho người dân vay vốn giá rẻ, thời gian dài để mua nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính cũng đang trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng cho người mua nhà ở xã hội và giảm thuế thu nhập DN cho DN kinh doanh nhà ở xã hội.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu các chính sách nhằm tái cơ cấu thị trường bất động sản có đạt hiệu quả không khi mà DN vẫn tiếp tục phá sản, giải thể, ngừng hoạt động; thu nhập của người lao động bấp bênh do thiếu việc làm?

Nếu chỉ có chính sách cho vay tiền mua nhà ở xã hội; miễn giảm thuế có thời hạn cho doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thì đề án này khó mà thành công được.

Vì vậy, để thực hiện được đề án này, các bộ, ngành phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác, trong đó quan trọng nhất là phải vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người dân.

Theo ông, Quốc hội có phần nào trách nhiệm trong việc tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm?

Giá Quốc hội mạnh dạn ban hành nghị quyết về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thậm chí ban hành từng nghị quyết riêng đối với từng lĩnh vực cần ưu tiên trong tái cơ cấu, thì đã có cơ chế giám sát tiến trình tái cơ cấu chặt chẽ hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư