Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Cần quyết sách giúp người lao động nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống
Phương Linh - 02/08/2023 18:46
 
Sau 15 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội, thu nhập bình quân của đội ngũ công nhân lao động đã tăng đều qua từng năm, đời sống và điều kiện làm việc cũng được cải thiện.

Năm 2008, mức tiền lương bình quân của công nhân lao động là trên 2 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2022 bình quân thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp tại Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng đồng nghĩa với số công nhân lao động tăng lên. Điều này đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo Liên đoàn lao động trách nhiệm làm sao để tổ chức được hệ thống công đoàn cơ sở rộng khắp, kết nối thống nhất để đi đến mục tiêu chung nhất là bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống cho người lao động.

Qua quá trình sắp xếp, ổn định, đến nay tổ chức Công đoàn Thủ đô các cấp ngày càng lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền lợi cho người lao động. 

Liên đoàn Lao động Thành phố trao tặng áo dài yêu thương cho nữ công nhân lao động.


Hiện tại, Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.698 công đoàn cơ sở và 652.808 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 6.268 công đoàn cơ sở, với 458.205 đoàn viên công đoàn.

Với số lượng đoàn viên công đoàn trên thể hiện được sự tín nhiệm của công nhân lao động với tổ chức công đoàn. Để khẳng định được vai trò, vị trí của mình, suốt thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. 

Tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chủ động tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động...

Ngoài ra, tình hình tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng giảm, trong 5 năm 2018 - 2023 số cuộc tranh chấp lao động tập thể đã giảm 15 cuộc so với nhiệm kỳ trước, còn 18 cuộc.

Đáng chú ý, với những nỗ lực của tổ chức công đoàn, quyền lợi của người lao động được bảo đảm, thu nhập nâng cao. Năm 2022 thu nhập bình quân của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn đạt 6,4 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này có sự gia tăng dần theo từng năm, năm 2019 đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2008 mức tiền lương bình quân của người lao động là trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao thu nhập cho công nhân lao động, điều cốt lõi chính là tạo điều kiện để họ khẳng định được giá trị bản thân. Năm 2008, Liên đoàn lao động Thủ đô đã xây dựng và ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Từ đó, phát động phong trào thi đua sản xuất, nâng cao tay nghề trong toàn đội ngũ.

Trải qua 15 năm, đã có 384.858 lượt công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 19.464 lượt “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 1.789 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Họ là những người miệt mài lao động, không ngừng nâng cao trình độ để tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao; quan tâm kèm cặp, truyền thụ kinh nghiệm quý báu của mình cho những thế hệ công nhân kế tiếp. Từ những cống hiến vì sự phát triển tại đơn vị, đã có nhiều công nhân được đề bạt giữ những chức vụ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện Hà Nội có trên 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động với 2,7 triệu lao động (chiếm 52% tổng số lao động của Thành phố), trong đó có khoảng 166.000 lao động làm việc cho 712 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động cũng triển khai nhiều hoạt động để kịp thời chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Đến nay trên địa bàn Hà Nội có 4/10 khu công nghiệp đang hoạt động đã bố trí khu nhà ở công nhân với công suất thiết kế 22.420 chỗ ở và đã bố trí cho người lao động thuê ở với giá ưu đãi.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhân rộng các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm tạo điều kiện cho công nhân lao động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát huy sáng tạo.

Khai mạc Ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan toả năng lượng tích cực"
Ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực” khu vực Trung du Bắc bộ và Miền núi phía Bắc năm 2023 vừa được tổ chức tại Bắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư