Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ sẵn sàng trước vận hội mới
Huy Tự - 11/02/2018 19:15
 
Cùng với nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng bộ máy chính quyền năng động, kiến tạo và phục vụ, TP. Cần Thơ đang có những bước đi chủ động và chiến lược trong thu hút đầu tư, tạo thế và lực để nâng tầm phát triển.

Tăng trưởng ấn tượng

Với nỗ lực của cả hệ thống, quyết tâm xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ, năm 2017, TP. Cần Thơ tăng trưởng ấn tượng với 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, GRDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 66.627,4 tỷ đồng, tăng 7,83% so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 72,96 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2016

Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đây là kết quả của nhiều năm quyết tâm vượt qua thử thách, tái cơ cấu nền kinh tế, kiên định xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch và đề án mang tính khả thi với quyết tâm chính trị rất cao trong cả hệ thống. Thành phố đã tập trung cải cách thể chế, xây dựng bộ máy chính quyền năng động, kiến tạo và phục vụ; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Cần Thơ đang nỗ lực để xứng đáng với vị thế đô thị hạt nhân - trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cần Thơ đang nỗ lực để xứng đáng với vị thế đô thị hạt nhân - trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Lĩnh vực công nghiệp của Thành phố nhiều năm qua gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bước sang năm 2017, với việc triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, ngành công nghiệp Cần Thơ đã có bước phát triển, ước tăng 7,26% so với năm 2016; hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng trưởng và có tính cạnh tranh cao.

Những ngày giáp Tết, khung cảnh mua bán nhộn nhịp từ nội thành về vùng nông thôn. Lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tăng lên đáng kể so với ngày thường. Vì vậy, TP. Cần Thơ đặc biệt chú trọng công tác bình ổn giá, vận động các doanh nghiệp tham gia Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư phục vụ nhân dân mua sắm; thực hiện theo dõi, thu thập thông tin bình ổn thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ cho biết, dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị lượng hàng lớn, trị giá gần 5.000 tỷ đồng, với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, đồng thời, chủ động mở rộng mạng lưới phân phối đến vùng sâu, vùng xa, đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, góp phần đưa doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP. Cần Thơ đứng thứ ba của cả nước và dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Là trung tâm kinh tế - xã hội, giao thương và dịch vụ, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, năm qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm của TP. Cần Thơ tiếp tục được đẩy mạnh. Cần Thơ vừa công nhận thêm 5 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố, phát hành Bộ bưu ảnh về các điểm du lịch, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc trưng của thành phố...

Hàng năm, TP. Cần Thơ đóng góp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 12 - 12,5% GRDP và là địa phương duy nhất của Vùng có điều tiết ngân sách về Trung ương hàng năm; tăng trưởng kinh tế luôn dẫn đầu toàn Vùng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời, giảm tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Sự phát triển đô thị TP. Cần Thơ nói chung và quận trung tâm - Ninh Kiều, đã và đang tạo sức bật mới, khẳng định tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tây Đô, là điểm đến lý tưởng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí hiện đại, tầm cỡ của Vùng.

Đặc biệt, TP. Cần Thơ đang là điểm sáng để các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), dự án phát triển bằng nguồn vốn ODA, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, phát triển các ý tưởng thành sản phẩm có hàm lượng chất xám công nghệ cao, đang từng bước thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.

Nhằm kết nối các hiệp hội, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh Cần Thơ đến với doanh nghiệp Nhật Bản, TP. Cần Thơ đã thành lập Tổ công tác Nhật Bản (Japan Desk), đồng thời, đang xúc tiến xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tên gọi Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (nằm trong Khu công nghiệp Hưng Phú I - cụm A). Đây sẽ là khu công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh của thành phố, đồng thời, là bước đột phá mới cho TP. Cần Thơ trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Vận hội phát triển

Sau 14 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay, TP. Cần Thơ đã có những đổi thay rõ nét, hạ tầng dần hoàn thiện, không gian đô thị có diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, một trong hai trung tâm logistics hạng II của Đồng bằng sông Cửu Long được đặt tại TP. Cần Thơ. Quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics tại TP. Cần Thơ vừa được Bộ Công thương đồng ý điều chỉnh từ 74ha lên 242,2ha. Đây là một trong những định hướng quan trọng để Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại, kết nối giao thông, điểm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài của Vùng, giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong Vùng vì không phải qua các cảng vùng Đông Nam Bộ.

Từ năm 2017 trở đi, vốn đầu tư của Trung ương cân đối cho TP. Cần Thơ sẽ tương đương với TP. Hải Phòng và TP. Đà Nẵng. Đây là cơ hội mới để TP. Cần Thơ có điều kiện phát huy nguồn lực, giải quyết các vấn đề bức xúc về nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu, quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông tương xứng với vị thế của Thành phố.

Tuy nhiên, để có thể bứt phá mạnh hơn, xứng đang là trung tâm, thủ phủ của vùng đất Tây Đô, trở thành “đầu kéo” để Đồng bằng sông Cửu Long tiến mạnh, tiến vững chắc cùng với các vùng miền trong nước và hội nhập sâu rộng với thế giới, theo xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, TP. Cần Thơ đang cần một cú huých đủ mạnh và cơ chế đặc thù riêng để phát triển kinh tế.

Mới đây, Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ đã được trình Chính phủ. Dự thảo được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại kết luận 07-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, đồng thời, đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân TP. Cần Thơ.

Khi Nghị định được chính thức ban hành, sẽ là cơ sở để TP. Cần Thơ xây dựng định hướng phát triển, tạo thế và lực mới, nâng tầm TP. Cần Thơ xứng đáng là đô thị hạt nhân - trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Đầu tư 3.845 tỷ đồng phát triển ngành cơ khí Cần Thơ
Ngày 9/1, Sở Công thương TP. Cần Thơ đã tổ chức công bố Quy hoạch phát triển ngành cơ khí TP. Cần Thơ đến 2025, định hướng đến 2030 với tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư