Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cần trợ lực để mạch máu vận tải luôn thông suốt
Bảo Như - 25/06/2021 07:26
 
Đầu năm 2021 đến nay, trên các diễn đàn xe ô tô công nghệ là những lời than thở của tài xế khi phải rứt ruột rao bán rẻ chiếc xe đã từng là niềm hy vọng của gia đình.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, hàng không, đường sắt cũng đang đứng trước tương lai bất định.

Xe rao bán nhiều, nhưng “lệnh khớp” không đáng kể, do hầu hết thành viên trong các nhóm đều chung cảnh kiệt quệ về tài chính do đã phải “treo bánh”, trong khi vẫn phải đều đặn trả gốc, lãi cho các khoản vay ngân hàng. Không ít lái xe hết lực đã chấp nhận buông để chủ nợ thu xe.

Không chỉ các chủ xe cá thể tham gia kinh doanh vận tải đang khốn đốn vì Covid-19, mà ngay cả doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, hàng không, đường sắt cũng đang đứng trước tương lai bất định.

Do lo ngại dịch bệnh, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tại thời điểm giữa tháng 6/2021 chỉ còn khoảng hơn chục ngàn lượt khách/ngày, đã khiến gần 70% đội tàu bay của các hãng đành phải “nằm đất”.

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện cũng chỉ duy trì 2 đôi tàu/ngày, trong đó nhiều toa xe thường xuyên chạy rỗng, hoặc có rất ít khách đi tàu.

Cần phải nói thêm rằng, trong suốt hơn một năm qua, các doanh nghiệp vận tải đã liên tục phải vật lộn với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều doanh nghiệp đã phải bán xe, bán phương tiện để cầm cự các tuyến vận tải

Không khó hiểu, khi mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách lúc này là Covid-19 được khống chế càng sớm càng tốt.

Đối với vận tải hàng không, đường sắt, nếu mất nốt đợt vận chuyển cao điểm hè 2021 do dịch bệnh, thì đó sẽ là một thảm họa, khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và không thể gượng dậy.

Ngoài việc mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp hàng không còn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, do đang phải thực hiện hoàn trả vé không sử dụng cho hành khách.

Đối với các doanh nghiệp vận tải - đối tượng bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 bởi đại dịch Covid-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Những khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý II, quý III/2021, đẩy các doanh nghiệp vào nguy cơ không thể giữ được giấy phép kinh doanh vận tải, do âm cả vốn chủ sở hữu. Đó là chưa kể đến việc đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này vốn đã khó, nay lại càng chông chênh.

Trong suốt thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã chủ động cắt giảm hàng loạt chi phí; tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch thông qua các chương trình khuyến mãi quy mô lớn; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kết nối để tương tác với hành khách, tìm kiếm cơ hội để phát triển…

Tuy nhiên, vào lúc này, sự cố gắng của bản thân các hộ kinh doanh cá thể cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chưa đủ. Bên cạnh việc tiếp tục nhận các hỗ trợ đã được thực hiện khá hiệu quả trong năm 2020, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp vận tải đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, của các ngân hàng - chủ nợ của những khoản vay lớn để mua sắm phương tiện vận tải trong cuộc chiến sinh tồn dự báo ngày một khắc nghiệp, chưa hẹn ngày kết thúc.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải đã suy kiệt về dòng tiền, Chính phủ cần cân nhắc sớm việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vận tải thông qua các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ dòng tiền phục vụ duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh tương tự gói tín dụng 4.000 tỷ đồng đã được áp dụng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Với tư cách là mạch máu của nền kinh tế, kết nối thông thương, các doanh nghiệp vận tải rất cần được quan tâm hỗ trợ kịp thời để hoạt động lưu thông trên phạm vi cả nước không xảy ra bất kỳ sự đứt gãy đáng tiếc nào, nhất là khi sức chịu đựng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chạm giới hạn cuối cùng.

Khó giảm phí BOT đường bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong dịch Covid – 19
Sẽ khó có thể giảm mức phí BOT tại thời điểm này do chính nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ cũng đang gặp khó khăn do lưu lượng giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư