Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp vận tải oằn mình gánh phí
Hồng Phúc - 15/06/2021 20:18
 
Không phản đối việc thu phí xa lộ Hà Nội, thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM hay yêu cầu lắp đặt camera, nhưng doanh nghiệp vận tải muốn lùi thời điểm áp dụng các quy định này.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức, TP.HCM) áp dụng thu phí từ ngày 1/4/2021 	ảnh: lê toàn
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức, TP.HCM) áp dụng thu phí từ ngày 1/4/2021 ảnh: Lê Toàn

Phí chồng phí

Từ đầu tháng 4/2021, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII áp dụng thu phí ô tô lưu thông trên xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) để hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Trong tháng đầu tiên trạm xa lộ Hà Nội hoạt động, MP Logistics đã tốn khoảng 1 tỷ đồng chi trả cho đội xe khi lưu thông qua tuyến đường này.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, với xe ô ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021. 

“Chi phí tăng thì chúng tôi phải tính cho doanh nghiệp sản xuất”, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch MP Logistics cho biết và muốn nói thay cho doanh nghiệp sản xuất, bởi khi chi phí đầu vào cao hơn, chắc chắn họ phải đẩy giá bán để bảo vệ biên lợi nhuận. Trong khi đó, doanh nghiệp đang trong thế tiến thoái lưỡng nan bởi sức mua yếu, chi phí đầu vào tăng cao và nếu tiếp tục kìm giá, thì khả năng thua lỗ có thể xảy ra.

Cùng với đó, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe khách, container, xe đầu kéo là điều đáng phải suy nghĩ đối với doanh nghiệp vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo, các đơn vị lựa chọn camera chạy trên nền tảng bắt được sóng điện thoại 4G, 5G và dự kiến có khoảng 200.000 xe trên cả nước phải lắp camera trước ngày 1/7.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) ước tính, với 200.000 xe phải lắp đặt, nếu tính trung bình khoảng 10 triệu đồng/xe, thì mỗi doanh nghiệp vận tải phải bỏ ra 1-2 tỷ đồng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chi hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện quy định trên.

“Nếu MP Logistics phải lắp toàn bộ camera như quy định, thì tốn tiền tỷ chứ không phải chỉ mấy trăm triệu đồng”, bà Minh Phương nói và cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi đồng trước khi chi ra đều được “nâng lên đặt xuống” kỹ càng. Trong khi đó, hiệu quả thực sự của việc áp dụng quy định lắp camera giám sát ở thời điểm này là chưa rõ ràng.

Tương tự, quy định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM từ tháng 7/2021 khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn hãng vận tải sốt ruột từ khi đề án này được thông qua cuối năm ngoái.

Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính toán, một doanh nghiệp thủy sản tại Khánh Hòa khi vận chuyển hàng đến cảng Cát Lái (TP.HCM) phải trả phí tại 7 trạm BOT với chi phí mỗi trạm (2 lượt đi và về) là 360.000 đồng, phí cầu đường là 2,5 triệu đồng.

Như vậy, trung bình mỗi năm, với 3.000 container chở hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản ở quy mô trung bình này phải trả 7,5 tỷ đồng khi qua lại các trạm BOT. Nếu áp dụng thêm các khoản phí mới trong đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM từ ngày 1/7, thì số tiền doanh nghiệp này phải chi thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.

Quy định đúng, nhưng áp dụng sai thời điểm

Doanh nghiệp vận tải, hiệp hội ngành nghề đang giữ những hy vọng cuối cùng, khi kiên trì lên tiếng về việc lùi thời gian áp dụng các quy định nêu trên. Từ đầu tháng 12/2020 đến nay, VASEP, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM và các doanh nghiệp vận tải, sản xuất trong mọi lĩnh vực đều không ngừng phản biện, góp ý.

“Chúng tôi thở phào khi chiều 10/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải về việc việc hoãn thời hạn xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải chưa lắp đặt camera”, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của một công ty vận tải thành lập từ năm 2004 chia sẻ.

Bà Đặng Thị Minh Phương cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM là cần thiết, nhưng cần hoãn đến ngày 1/7/2022. Bà cũng mong muốn được miễn phí bảo trì đường bộ hoặc giảm ít nhất 50%; giảm thuế VAT từ 10-50% cho doanh nghiệp du lịch, vận tải hàng hóa, hành khách.

“Các quy định, khoản phí với doanh nghiệp trong ngành logistics nói chung cần được cân nhắc kỹ, vì chi phí logistics ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản phẩm của người tiêu dùng”, bà Phương nói.

Hiện 70% lượng hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thủy sản phải qua các cảng ở TP.HCM. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (đề nghị không nêu tên) than phiền, cộng đồng doanh nghiệp nông, thủy sản đang phải gồng gánh rất nhiều loại phí, từ BOT, bảo vệ môi trường đến phí làm hàng, lưu kho. Việc thu thêm phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM thời điểm này là không phù hợp và càng khiến khả năng cạnh tranh của nông, thủy sản Việt so với các đối thủ nước ngoài giảm sút.

“Chúng tôi chỉ mong muốn được dành toàn nguồn lực của mình cho sản xuất, tìm đối tác kinh doanh, phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động, thay vì loay hoay tìm cách ứng phó với các chi phí”, vị này chia sẻ.

Thấu hiểu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trông chờ vào những công chức, cơ quan quan lý nhà nước thực sự thấu hiểu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư