Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 09 năm 2024,
Cần xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành cổ phần hóa
Mạnh Bôn - 01/09/2024 19:00
 
Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân), cần phải có cơ chế xử lý với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ này.
PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân).

Kể từ khi bắt đầu tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước vào đầu những năm 2000 đến nay, ông có cho rằng, chưa bao giờ nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại khó khăn như mấy năm gần đây?

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, ngành, địa phương chỉ thoái được khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3.600 tỷ đồng; cả năm chỉ CPH được đúng 1 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Trong khi dự toán đã được Quốc hội thông qua thì hai khoản thu này trong năm 2022 phải nộp vào ngân sách nhà nước 30.000 tỷ đồng.

Năm 2023, kết quả còn tệ hơn, khi chỉ thoái được 65,2 tỷ đồng vốn nhà nước tại 12 đơn vị, thu về 229 tỷ đồng và không CPH được đơn vị nào. Năm 2024, kết quả cũng không khá hơn năm 2023, số lượng doanh nghiệp CPH vẫn là con số không; chỉ thoái vốn nhà nước tại 4 đơn vị với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp CPH, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai; hậu Covid-19, tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước không tốt; các nền kinh tế lớn trên thế giới thắt chặt vốn ngân hàng để đối phó với lạm phát. Công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện CPH, triển khai đấu giá phần vốn nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân “cố hữu” vẫn chưa xử lý được, đó là nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai, nên còn tư tưởng đối phó. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với UBND cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm...

Một trong những nguyên nhân khiến tiến trình thoái vốn, CPH “đứng hình” gần đây là không có chế tài xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quan điểm của ông thế nào?

Đây là một khía cạnh rất quan trọng để tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Không phải riêng hoạt động CPH, thoái vốn, mà lĩnh vực nào cũng vậy, nếu không có chế tài xử lý nghiêm minh thì công việc chỉ “hăng” được lúc đầu, càng về sau càng... đuối.

Quá trình CPH, thoái vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần thiết phải đầu tư, nếu xem dưới góc độ là một mệnh lệnh hành chính, bắt buộc phải thực hiện để đẩy nhanh tiến trình cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, thì cần có chế tài chặt chẽ để bảo đảm hiệu lực thực thi đầy đủ. Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tổ chức thực hiện. Những chế tài này cần quy định trong văn bản pháp luật cụ thể, rõ ràng. Việc này đáng ra phải được quy định chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật từ nhiều năm trước.

Nếu bây giờ xây dựng chế tài thì cũng phải mất một thời gian nữa mới có thể thực thi. Tuy nhiên, việc xây dựng chế tài xử lý cán bộ do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm CPH, thoái vốn cần được đánh giá tác động đầy đủ về mức chế tài và nội dung áp dụng để tránh gây ra tình trạng né tránh hoặc “sợ trách nhiệm”, thậm chí thoái thác trách nhiệm. Bên cạnh chế tài, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đi đầu của lãnh đạo doanh nghiệp, phát huy vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp, phát huy những động lực phát triển mới đối với CPH, thoái vốn.

Theo ông, với tiến trình thoái vốn, CPH như những năm gần đây, liệu có hoàn thành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1479/2022/QĐ-TTg?

Nếu triển khai đồng bộ và quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì tiến trình này có khả năng đạt được cơ bản mục tiêu mà Quyết định 1479/2022/QĐ-TTg đề ra. Chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm CPH, thoái vốn từ hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước với những thành công quan trọng và nhiều thực tiễn tốt được phát huy.

Con số khoảng 200 doanh nghiệp thoái vốn đợt này được rải ra ở hầu hết địa phương và các ngành của nền kinh tế. Thực tế, có những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề tương tự như lĩnh vực môi trường, đô thị hay thương mại, nếu CPH, thoái vốn thành công ở một doanh nghiệp trong cùng một ngành, thì đó sẽ là thực tiễn tốt, mô hình hay để hàng loạt doanh nghiệp khác học hỏi và vận dụng. Do đó, cơ hội học hỏi lẫn nhau, rút ra kinh nghiệm hay từ những thương vụ thành công, giảm thiểu chi phí và thời gian nghiên cứu, tìm tòi, góp phần thực hiện tốt Quyết định 1479/2022/QĐ-TTg. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cũng cần tìm hiểu, tổng kết, đánh giá kinh nghiệm của các nước trong thoái vốn, tư nhân hóa để làm bài học tham chiếu, giảm thiểu rủi ro, thời gian, chi phí nghiên cứu và tổng kết.

Trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch, theo ông, sau năm 2025 tiếp tục làm gì để thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước?

Quyết định 1479/2022/QĐ-TTg rất cụ thể, chi tiết và kịp thời để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo lộ trình. Các giải pháp thực hiện được xây dựng ngay trong Quyết định 1479/2022/QĐ-TTg.

Trong trường hợp không hoàn thành thì cần tiến hành đánh giá lại toàn diện, triệt để, đầy đủ những kết quả đạt được, nêu vấn đề cần giải quyết, phân tích sâu sắc nguyên nhân cả khách quan và chủ quan đối với từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, cần chú ý tập trung phân tích những nhân tố mới và tìm ra động lực thực sự, cụ thể đối với từng doanh nghiệp, từng ngành. Xác định và đánh giá rõ trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, tính hợp lý của các quy định, quy trình thực hiện lộ trình thực hiện. Đó là căn cứ để đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước cho giai đoạn tiếp theo.

Lên lộ trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa 8 doanh nghiệp tại Hải Dương
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa tại 8 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư