Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cảnh báo biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra
D.Ngân - 11/10/2022 16:25
 
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian qua họ tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân nhập viện.
TIN LIÊN QUAN

Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 47 tuổi, bị đái tháo đường đã 20 năm và có biến chứng thần kinh ngoại vi gây tê bì nhiều 2 bàn chân.

Hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người.

TS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, cách đây 1 tháng, bệnh nhân dùng đèn chiếu tia hồng ngoại vào chân cho đỡ tê và sau 1 vài lần chiếu đèn thì bệnh nhân bị bỏng vùng gan bàn chân. 

Khi ổ loét xuất hiện và lan rộng toàn bộ bàn chân và các ngón chân, bệnh nhân vẫn không đi khám mà tự mua kháng sinh về uống.

Khi bàn chân sưng nề to, chảy mủ và quá mệt thì bệnh nhân mới vào viện trong tình trạng quá nặng: Sốt cao 39 độ, bàn chân chảy mủ, thiếu máu nặng và đường huyết thì rất cao và có biến chứng thận.

"Bệnh nhân này chắc sẽ phải nằm viện lâu dài, điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém mà bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế", bác sĩ Bảy cho hay.

Còn tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay cơ sở cũng vừa tiếp nhận ca bệnh hoại tử chi do tự tiêm kháng sinh, đắp thuốc lá vào vết loét ngón chân. 

Người bệnh gần 70 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân loét, mưng mủ, nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức.

Chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt ngưỡng, chạm mức nguy hiểm, có nguy cơ phải cắt cụt chi. 

Bệnh nhân phải điều trị kháng sinh gấp, điều chỉnh liều insuline và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng. Ông cũng được cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử mỗi ngày.

Mỗi tháng tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca mắc đái tháo đường có biến chứng bàn chân. 

Đặc biệt, nhiều trường hợp tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc hoặc tự ý điều trị kháng sinh, dẫn đến nhiễm trùng nặng.

Bệnh nhân vẫn chủ quan không đi khám ở bệnh viện do nghĩ vết thương nhỏ có thể tự lành. Trong khi bàn chân, ngón chân là bộ phận tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, tình trạng hoại tử lan rộng có thể xảy ra, thậm chí phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng.

Mới đây, bệnh nhân Phạm Thị Q., 40 tuổi (tỉnh Quảng Ninh, làm nghề đánh bắt cá trên biển) được chuyển tuyến lên Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi - đái tháo đường mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời.

Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, hoại tử; sốt trên 38 độ C và có những cơn rét run.

Sau khi tiếp nhận, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid.

Về nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, ngày 10/10, bác sĩ Đinh Văn Trung, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, suy thận, đái tháo đường nhiều năm, vẫn duy trì dùng thuốc đều đặn (Metformin 2000 mg/ngày). Bà nhập viện trong tình trạng khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt, tích tụ acid lactic trong máu nặng.

Theo bác sĩ, bệnh nhân lạm dụng thuốc đái tháo đường dẫn đến sốc, suy đa tạng, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa... Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, truyền dịch nhưng không đáp ứng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ cho biết, Metformin là nhóm thuốc sẵn có, rẻ tiền được sử dụng từ lâu ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2, chuyển hóa qua gan, thận. Do đó, nhóm người bệnh suy giảm chức năng gan, thận cần dùng thuốc theo chỉ định, tránh tích tụ acid lactic gây suy đa tạng, tử vong.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người.

Tuy nhiên, có khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, trong khi chưa tới 30% số người được chẩn đoán điều trị tốt. 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Đái tháo đường tuýp 1 thường có các dấu hiệu điển hình như đói và mệt; đi tiểu thường xuyên và khát hơn; khô miệng, ngứa da; sút cân nhiều, thị lực giảm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở đối tượng trẻ, thanh thiếu niên.

Với tuýp 2, bệnh nhân đái tháo đường diễn biến rất âm thầm thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, có dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.

Để phòng chống căn bệnh đái tháo đường nguy hiểm, BSCKI. Võ Trần Nguyên Duy, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM cho hay, hiện y học vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm đái tháo đường. Các phương pháp gồm dùng thuốc tây y, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục hợp lý nhằm kiểm soát đường huyết.

Để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, kết hợp tập luyện và dùng thuốc tây y theo chỉ định bác sĩ. 

Không tự ý dùng thuốc không đúng chỉ của bác sĩ hoặc dùng chung đơn thuốc với người khác. Bởi các loại thuốc này khiến quá trình kiểm soát đường huyết thêm khó khăn.

Chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất; ăn rau luộc vào đầu bữa; chia nhiều bữa nhỏ; ăn thịt cá trước hoặc cùng lúc thực phẩm chứa tinh bột; không ăn nhiều vào bữa tối... Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.

Người bệnh học cách sống chung với bệnh đái tháo đường cần sự kiên trì và quyết tâm. Chế độ sinh hoạt nên lành mạnh như không thức khuya, ăn đúng giờ giấc, không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (rượu, bia...). 

Khi có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi liên tục, không tập trung, hoa mắt, chóng mặt..., bạn nên đi khám bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được kiểm tra, điều trị kịp thời.

Đái tháo đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ, thanh thiếu niên. Dấu hiệu điển hình là đói và mệt, đi tiểu thường xuyên và khát hơn, khô miệng, ngứa da, sút cân nhiều, thị lực giảm.
Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh như type 1, bệnh nhân đái tháo đường type 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Đái tháo đường ảnh hưởng đến tim mạch, thận, chi..., gây nhiều biến chứng như đột quỵ, suy thận, giảm thị lực, mù lòa và những biến chứng bàn chân. Nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị biến chứng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư