Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cảnh báo ngộ độc rượu gia tăng cuối năm
D.Ngân - 14/12/2022 18:18
 
Tết càng đến gần thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) càng gia tăng.

 “Rượu độc” đe doạn tính mạng người dân

Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm là lượng rượu, bia tiêu thụ gia tăng bởi đây là dịp cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Việc lạm dụng rượu, bia để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc với nhiều trường hợp phải nhập viện, thậm chí có trường hợp tử vong do bị ngộ độc rượu.

Tình trạng ngộ độc do sử dụng rượu làm từ cồn công nghiệp dẫn đến tử vong liên tục diễn ra gần đây và đang có nguy cơ gia tăng mạnh vào những ngày cuối năm khi nhu cầu hội họp, liên quan và tổng kết tăng lên.

Tết càng đến gần thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) cũng gia tăng theo. Bệnh nhân chủ yếu bị xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong tháng 11, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm, 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong. Điển hình mới đây, vụ ngộ độc 6 người ở Lâm Đồng nghi do rượu, thì có 2 người tử vong. 

Tại Hà Nội, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (35 tuổi, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) trong tình trạng vùng thượng vị đau nhiều, lan ra sau lưng, cơ thể sụt cân nghiêm trọng. 

Trước đó, bệnh nhân chia sẻ mình uống rượu từ khi còn là học sinh cấp 3, sau đó nghiện và tiêu thụ nhiều suốt 20 năm. Bệnh nhân này cũng từng đau bụng nhiều lần nhưng tự khỏi nên chủ quan không đi khám. Thời gian qua, khi cảm giác đau nhiều hơn, bệnh nhân nghĩ mình bị dạ dày nên quyết định tới bệnh viện.

Tại Trung tâm Chống độc, Bênh viện Bạch Mai trong những ngày qua đã tiếp nhận và xử lý 2 trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có một bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận. 

Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Trung tâm Chống độc xác nhận, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân nam này được gia đình xin về vì không có khả năng cứu chữa và tử vong tại nhà. 

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với người ngộ độc rượu do methanol trường hợp may mắn được cứu sống, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn các di chứng do não đã bị tổn thương.

Còn tại TP.HCM, thống kê sơ bộ của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng liên quan đến rượu methanol.

Cụ thể, tháng 9/2021 Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận 12 ca ngộ độc, trong đó có 6 ca tử vong. Tháng 10/2021 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca tử vong. Tháng 8/2022 liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến 13 người nhập viện trong đó có 2 ca tử vong.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, quá trình điều tra, truy xuất nguồn gốc và xử lý đối với nguồn rượu gây ngộ độc rất khó khăn vì người sử dụng thường mua rượu không có nguồn gốc xuất xứ tại các cửa hàng tạp hóa. 

Mặt khác, vẫn còn có rất nhiều người dân thiếu hiểu biết khi tự dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu để sử dụng. Trong năm 2022 có ít nhất hai vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra tại Bình Thạnh và Bình Chánh có liên quan trực tiếp đến sự thiếu hiểu biết của chính nạn nhân khi tự dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu để sử dụng.

Bà Lan dự báo, tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng sẽ phải xiết chặt hầu bao nên nguy cơ các mặt hàng kém chất lượng sẽ len lỏi vào bàn ăn của các gia đình đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp. “Việc sử dụng các mặt hàng rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu methanol trong các bữa tiệc có thể gia tăng nguy cơ ngộ độc trong giai đoạn cuối năm”, bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo.

Cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, những ca ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol) tử vong do uống quá nhiều đang có dấu hiệu gia tăng. Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động. Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 2 - 3 ca nặng.

Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Bệnh nhân đã được đưa vào đây đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi.

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, thành phần Ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy, yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.

Kiểm soát nguồn rượu lưu thông

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm rượu cuối năm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã công bố kế hoạch triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023. 

Từ 15/12/2022 đến hết 12/3/2023 hoạt động kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực thực phẩm sẽ diễn ra trên toàn Thành phố, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao nhằm ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và phòng chống nguy cơ ngộ độc.

Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc, đó là không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. 

Ngoài ra, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. 

Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng và không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tuyệt đối không uống rượu, bia.

Về phía chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối.

Trong dịp cuối năm, lễ, Tết, cần uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.

Đặc biệt theo chuyên gia, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.

Cơ thể chỉ bị đau đầu, mệt mỏi, nôn ói nhưng cơ thể sẽ tự đào thải được các chất gây hại. Tuy nhiên, nếu uống phải rượu methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng, nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày uống. 

Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.

Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.

Ngộ độc rượu lại “nóng”
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp Methanol lại có chiều hướng gia tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư